Learning How To Learn – Học cách học

Trong cuộc sống, việc học sẽ đi cùng bạn từ lúc còn bé tới lúc trưởng thành. Mọi việc bắt đầu từ việc bạn tiếp xúc những điều mới lạ, cho đến khi quen về nó và trở nên thành thạo. Quá trình này đôi khi diễn rất tự nhiên một cách vô thức nhưng vẫn sẽ có cách để cải thiện nó. Learning How to Learn (Học cách học) là giải pháp mà mình đang nói tới. Về cơ bản, đây là một quyển sách hướng tới đối tượng là các bạn nhỏ cấp 2 – cấp 3 và thậm chí sinh viên đại học. Nhưng theo quan điểm cá nhân thì bất kì ai cũng có thể đọc và áp dụng những những gợi ý về cách học phù hợp để bản thân bạn không ngại dấn thân vào con đường tìm kiếm tri thức.

Học cách học của Barbara Oakley là một tác phẩm nên có trong tủ sách của bất kì học sinh – sinh viên hay người đi làm

Nội dung sách được tóm gọn thành 2 phần chính:

  1. Hiểu về bộ não: cách não hoạt động sẽ được tóm tắt ngắn gọn để bạn hiểu được cơ chế cơ bản nhất.
  2. Những lời khuyên cơ bản về cách học: dựa trên cách hoạt động, tác giả cũng đưa ra những gợi ý để tận dụng cơ chế đó để giúp bạn học hiệu quả hơn

Hiểu về não bộ của bạn

Về cơ bản, não bạn có ba cách hoạt động sau

Trạng thái hoạt động

Não bạn có hai trạng thái:

  • Focused: là khi bạn học một điều gì đó mới hoặc dồn hoàn toàn sự chú ý vào công việc đang làm. Ở trạng thái này, não bạn hoạt động hết công suất để tiếp thu thông tin mà bạn quan tâm,
  • Diffused: đây là lúc mà não bạn suy nghĩ mông lung, không theo một chủ đề nhất định.
Nguồn: Medium

Và não bạn chỉ có thể hoạt động ở 1 trạng thái nhất định. Ngoài ra, thực tế chỉ ra rằng việc kết hợp giữa Focused và Diffused sẽ giúp việc học, công việc của bạn trở nên hiệu quả hơn. Điều này được lý giải đôi khi việc thoát khỏi sự tập trung và suy nghĩ mông lung sẽ cho não bạn thời gian nghỉ, cũng như để hoạt động ngầm nhằm tiêu hoá khối lượng thông tin bạn vừa tiếp xúc, qua đó nâng cao hiệu quả học hành, làm việc.

Vậy làm sao bạn tận dụng được hai trạng thái hoạt động này của não?

Suy nghĩ – Liên kết não bộ

Suy nghĩ của bạn đến từ đâu? Về cơ bản, não bạn chứa hàng tỉ neuron thần kinh và mỗi neuron sẽ giao tiếp với nhau để hình thành suy nghĩ. Vì thế, khi hàng triệu neuron nói chuyện về một chủ đề nhất định thì sẽ hình thành một dòng neuron liên kết về chủ đề đó. Sự liên kết đó sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi bạn thường xuyên tiếp xúc thường nội dung/công việc đó.

Nguồn: Havard

Vậy làm cách nào để cải thiện quá trình hình thành sợi dây liên kết trong não của bạn

Hệ thống lưu trữ thông tin

Và cuối cùng, não bạn gồm 2 hệ thống lưu trữ thông tin: bộ nhớ tạm (working memory) và bộ nhớ dài hạn (long-term memory).

  • Bộ nhớ tạm: nơi mà bạn tiếp thu thông tin, nhất là những thông tin mới để bắt đầu phải hình thành những liên kết về chủ đề đó. Tuy nhiên, bộ nhớ này khá nhỏ và không có đủ chỗ để lưu trữ
  • Bộ nhớ dài hạn: bộ nhớ này tồn tại để có thể lưu trữ kiến thức đi từ bộ nhớ tạm và khi cần, sẽ lấy ra sử dụng.

Một điểm khá thú vị là sự tập trung của bạn không mạnh như bạn tưởng khi chỉ lưu trữ thông tin được đâu đó tầm 10 – 15 giây. Hơn nữa, vì số lượng khe lưu trữ ít hỏi (slot) mà chỉ cần bạn không hoàn toàn tập trung, thông tin rất khó có thể đi vào bộ nhớ tạm thời.

Làm cách nào để bạn có thể mang thông tin từ Working Memory vào Long-term memory và dễ dàng truy xuất khi cần thiết

Học cách học

Như vậy phần nội dung trên đã đặt ra 3 câu hỏi về cách tận dụng cơ chế hoạt động của não bộ nhằm cải thiện khả năng học tập. Dựa vào đó, bạn có thể cân nhắc các gợi ý sau:

Podomoro

Kĩ thuật này khá phổ biến và về cơ bản nó là cách vận dụng hai trạng thái đề cập ở trên khi bạn sẽ có 25’ Tập Trung và 5’ Thư Giãn. Về mặt thời lượng thì tuỳ thuộc vào khả năng của bạn nhưng đây là mức mà mỗi người có thể dễ dàng đạt được.

Một điểm lưu ý là bạn cần phải hoàn toàn tách mình khỏi các yếu tố làm gây xao nhãng: điện thoại – tin nhắn – email, v.v. Và trong 25’ này, đừng cố hoàn thành phần nội dung/công việc mà hãy cố gắng hình thành sự tập trung tuyệt đối. Khi có bất kì suy nghĩ nào chệch khỏi phần công việc/nội dung đang làm, hãy ghi chú lại để xử lý sau.

Cải thiện kĩ năng đọc

Đọc sách là một hoạt động quan trọng của việc học và sau đây là một vài gợi ý để bạn cải thiện kĩ năng đọc sách cũng như ghi nhớ thông tin

  • Picture Walk: Não bạn có khả năng ghi nhớ hình ảnh tốt hơn so với câu chữ, con số. Vì thế khi bạn đọc một thứ gì đó, hãy lướt qua phần nội dung chương sách, ghi nhớ lại các hình ảnh, tiêu đề để hình thành nên một tấm bản đồ nội dung để giúp bạn dễ tiếp thu.Ngoài ra, một kĩ năng mà bạn có thể tìm hiểu, và cũng được trình bày khá cụ thể trong sách là Memory Palace Technique. Đây là một kĩ năng được rất nhiều thí sinh tham gia các cuộc thi Memory Contest sử dụng. Về cơ bản thì bạn sẽ không bị áp lực phải nhớ quá nhiều thứ nhưng việc áp dụng kĩ năng này vào cuộc sống, công việc, học tập cũng là một điều đáng để cân nhắc.
Nguồn: ChessBase
  • Ghi chú: Trong quá trình đọc sách, việc ghi chú lại các điểm chính cũng như suy nghĩ của bạn sẽ giúp bạn dễ hình thành các liên kết, qua đó sẽ giúp bạn nhớ lâu hơn
  • Nhắc lại chủ động: Và cuối cùng, thực hiện liên tục việc này sẽ giúp thông tin dễ dàng được lưu vào bộ nhớ của bạn. Bạn có thể thực hiện việc này bằng việc tích cực ôn lại những thông tin học được trong ngày, trước khi ngủ.

Cải thiện liên kết não

Như có đề cập, việc tiếp xúc với một chủ đề đủ lâu sẽ giúp các neuron liên kết một cách dễ dàng hơn. Sau đây là một vài gợi ý để bạn cải thiện các liên kết não bộ của chính mình

  • Luyện tập thường xuyên: đây là cách đơn giản nhất. Bạn cho bản thân học, làm đủ lâu thì liên kết sẽ đủ mạnh và cải thiện dần. Thế nhưng bạn cũng nên tránh lazy learning, có nghĩa là học đi học lại một thứ bạn đã biết rồi. Thay vào đó, hãy thường xuyên tiếp xúc với cái mới để não bạn có thể hoạt động và hình thành những liên kết mới. Ngoài ra, đừng chỉ đọc lý thuyết không mà hãy mang lý thuyết đó vào thực hành. Điều đó sẽ giúp bạn nhớ lâu hơn đó.
  • Cứ làm thôi: đừng sợ, ai cũng ngại khi ra khỏi vùng an toàn. Nhưng chỉ cần kiên nhẫn thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng.
  • Học xen kẽ: thay vì lên kế hoạch học từng chương, bạn có thể cân nhắc kết hợp các nội dung khác nhau của vấn đề để chủ động hình thành nên liên kết não bộ

Quan tâm tới sức khoẻ

Để não khoẻ mạnh, bạn cần có một cơ thể cường tráng và những việc sau đây có thể giúp bạn cải thiện sức khoẻ:

  • Ngủ đủ giấc: đây là lúc não thải ra chất độc hại trong suốt quá trình hoạt động trong ngày. Hơn nữa, đó cũng như là lúc các thông tin bạn học được lưu trữ, phân loại vào bộ nhớ. Ngoài ra, giấc ngủ ngắn buổi trưa cũng là một lựa chọn tốt để bạn có thể phục hồi cũng như cải thiện hiệu năng học tập/làm việc.
  • Tập thể dục: việc tập thể dục sẽ tiếp ra các hợp chất BDNF (Brain Derived Neurotropic Factor), tạm gọi là các hợp chất sẽ giúp neuron não khoẻ mạnh, dễ dàng kết nối và phát triển.
Ngủ đủ – ăn ngon – thể dục đều đặn sẽ giúp não hoạt động tốt
  • Ăn uống: lựa chọn các loại thực phẩm tốt cho não như Hành tây – Củ cải – Dark chocolate sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng cho não phát triển khoẻ mạnh. Và hơn hết, hãy tránh xa các loại thực phẩm dầu mỡ, đồ ăn nhanh (junk food)

Khác

Sách cũng đi kèm một vài gợi ý khác để giúp bạn cải thiện hiệu năng làm việc, học tập

  • Eat your Frog: bạn có thể cân nhắc bắt đầu việc học/công việc bằng một task khó nhằn để não bộ bạn phải tập trung hoạt động hết sức và hoàn thành nó. Sau đó, bạn sẽ dễ dàng hoàn thành những việc khác dễ hơn, đơn giản hơn.
  • “Nghỉ thôi”: sau một ngày làm việc mệt mỏi thì việc não cần thời gian nghỉ ngơi là điều dễ hiểu. Việc ấn định một thời điểm nghỉ ngơi hoàn toàn là điều cần thiết để bạn không phải bận tâm gì về công việc, nội dung học hành nữa.
  • Thay đổi linh hoạt địa điểm học tập/làm việc: việc này giúp não và chính bạn không cảm thấy lệ thuộc vào môi trường cụ thể mà có thể thích nghi với những hoàn cảnh khác. Điều này cực kì có ích khi bạn đi thi bởi lẽ đâu phải lúc nào bạn cũng ở chỗ thân thuộc là bàn làm việc, phòng học của bạn đâu.

Đánh giá về sách

Điểm mình thích

  • Bản mình đọc là bản tiếng Anh nhưng sách viết rất đơn giản, dễ hiểu và có những hình ảnh minh hoạ rất trực quan, dễ nhớ
  • Tác giả đưa ra những dẫn chứng rất cụ thể từ bản thân và quá trình thay đổi cách học, áp dụng những kiến thức trong sách để trở đạt được những học vị trong lĩnh vực mà ban đầu họ tin rằng họ không có khả năng. Điểm khá thú vị là các tác giả là những người có học vị cao, nhưng họ không khởi điểm là những cô cậu học sinh/sinh viên có kĩ năng xuất chúng ở lĩnh vực họ làm. Thế nhưng qua quá trình áp dụng những cách học, sự cố gắng, nỗ lực, họ có được kết quả như hiện tại. Đây cũng là một điều mà mình nghĩ ai cũng nên học.
  • Nội dung sách tưởng như là hàn lâm, nhưng được đơn giản hoá qua những hình ảnh ẩn dụ rất dễ nhớ: bàn pinball, bạch tuộc tập trung, v.v. Điều này sẽ giúp các em rất nhiều trong việc hiểu và áp dụng
  • Và hơn hết, cuối mỗi chương đều có các câu hỏi ôn luyện để bạn phải thực hành việc nhắc lại chủ động, cũng như phần tóm tắt ngắn gọn các ý chính trong sách. Điều này là một ví dụ trực quan của việc luyện tập, đưa những thông tin mình học vào đời sống thực tế
  • Bên cạnh đó tác giả cũng có một khóa học trên Coursera, bản thân mình vẫn chưa sắp xếp thời gian để hoàn thành khóa học này nhưng đây chắc chắn là một việc “must do” mà mình thực hiện trong thời gian tới. Mình sẽ chia sẻ cụ thể hơn nội dung cũng như cảm nhận khóa học.

Điểm mình không thích

  • Có những chương mình chưa cảm thấy sự liên kết với nội dung chính của sách, nhưng có lẽ nó là những chương đi kèm hay cầu nối để tác giả dễ dàng chuyển tại nội dung mong muốn

Kết

Học cách Học (Learning How To learn) là một tựa sách mà mà mình nghĩ bất kì ai cũng nên đọc, nhất là các bạn nhỏ đang ở những năm cấp 2 – 3 cảm thấy khó khăn trong việc học hay mất định hướng với tương lai của mình. Việc đọc sách không giúp các bạn tìm lại định hướng, nhưng nó là các gợi ý chiến lược để bạn tập trung thử nghiệm và cải thiện kết quả của mình. Khi kết quả tích cực, động lực đi lên thì bạn sẽ có thêm niềm tin để thử nghiệm những hướng đi khác. Và hơn hết, người lớn đi làm vẫn có thể xem đây như là một tấm bản đồ để giúp mình duy trì động lực học hỏi, tìm tòi nhằm không tụt hậu trong cái bẫy cơm áo gạo tiền. Hi vọng phần tóm tắt và review này sẽ giúp bạn hay các bé có thêm động lực chinh phục hành trình học tập đầy khó khăn.

Nhat Minh Ngo

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s