Trên đỉnh phố Wall là quyển sách mình đọc cũng lâu rồi, lần đầu đọc vì tò mò nội dung của nó nhưng rồi để qua một bên và quên luôn. Cho đến gần đây khi nghiêm túc hơn trong lĩnh vực tài chính thì One Up on Wall street là một trong những quyển sách mình quyết định đọc lại để nghiền ngẫm cũng như tìm cách chắt lọc những thông tin phù hợp với bản thân mình. Thật ra thì việc tổng hợp bài viết này là một quá trình dài vì thông tin và chi tiết rất nhiều. Hơn nữa, mình cũng sẽ chỉ dừng lại ở mức độ tóm tắm phần nội dung bởi lẽ bản thân mình nhận ra rằng để hiểu được và thấm được những thông tin này, mình cần thời gian và trải nghiệm. Chính vì thế, việc phân tích chi tiết là vượt quá khả năng cũng như có thể mang lại hệ quả không tốt nếu những giải thích theo hiểu biết của mình là không chính xác.

Về mặt nội dung, mình chia sách thành các phần như sau:
Xác định tư tưởng
Trước khi dấn thân vào thị trường, việc xác định tư tưởng là một việc cực kì quan trọng mà bạn cần thực hiện. Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽ trong suốt hành trình bạn đi cùng với kế hoạch tài chính, không phải lúc nào mọi việc cũng diễn ra suôn sẻ. Do đó, việc xác định tâm lý là điều nên làm để tránh bản thân đưa ra những quyết định không chính xác, thậm chí là liều và cảm tính. Sau đây là một vài lời khuyên tổng hợp trong sách
- Bạn không đoán được thì trường lên xuống thế nào, cũng như tốt hay không tốt. Đừng cố gắng.
- Bạn cần phải xác định rõ kì vọng, chân trời thời gian của bạn là dài hạn hay ngắn hạn cũng như phản ứng trước những cú rớt giá bất ngờ.
- Đừng mạo hiểm. Hãy tiết kiệm, phân tích để mua cổ phiếu tốt và giữ nó đến khi tăng giá.
- Cổ phiếu có xu hướng mang lại kết quả tốt hơn so với những loại hình chứng khoán khác nhưng rủi ro đi kềm sẽ cao hơn. Trên thực tế, các yếu tố cơ bản vẫn sẽ là chìa khoá quan trọng. Hơn nữa, bạn không cần phải thắng hết mà đôi khi chỉ cần một cổ phiếu xuất sắc trong danh mục đã giúp bạn có được một kết quả mỹ mãn
- Hãy đầu tư vào những ngành nghề bạn hiểu rõ, đừng là anh nha sĩ đầu tư vào công ty phần mềm và anh kĩ sư máy tính đầu tư vào hãng dược phẩm
- Bạn nên làm bài tập để tránh việc mua cổ phiếu vì hứng thú nhất thời. Sau đó, việc đơn giản là phớt lờ thị trường vừa đủ nhưng vẫn theo dõi danh mục của mình để kiểm tra hiệu quả so với kì vọng. Một điểm đáng lưu ý là đừng mua bán lại nhiều lần, vì chi phí của những lần giao dịch sẽ ăn mòn lợi nhuận của bạn.

Phân loại công ty
Phần nội dung này liên quan đến việc phân nhóm các công ty, đi kèm theo đó là các đặc tính của chúng. Về cơ bản, tác giả chia công ty vào những nhóm như sau
- Công ty tăng trưởng chậm: thường có xu hướng trả cổ tức rất hào phóng và đều đặn khi họ phát triển trong ngành công nghiệp khó có thể mở rộng
- Công ty vững mạnh: là những gã khổng lồ trị trá hàng tỷ đô la, nhưng những công ty này lại không phải là những nhà leo núi thần tốc khi tốc độ tăng trưởng của họ chỉ nhanh hơn những công ty chậm chạm
- Công ty tăng trưởng nhanh: là những doanh nghiệp mới, có quy mô nhỏ và rất năng động, có mức tăng trưởng từ 20 – 30%
- Công ty chu kỳ: công ty phát triển theo quy luật ổn định, nếu không gọi là có thể dự đoán được theo vòng tuần hoàn: mở rộng – thu hẹp rồi lại mở rộng
- Công ty đột biến: có đặc điểm chung là hoạt động rệu rã, bê bối, hầu như không hề tăng trưởng
- Công ty có tài sản ngầm: là nhóm công ty có tài sản giá trị mà phố Wall không hề biết đến. Tài sản ở đây có thể là bất động sản, tiền mặt, kim loại, dầu mỏ, đài truyền hình, bằng sáng chế, v.v.

Về cơ bản, đây là những tiêu chí để phân loại công ty, tác giả cũng chia sẻ thêm khá nhiều đặc tính tiêu chí khác để sự phân loại của bạn trở nên chính xác hơn cũng như những điểm trừ khi đầu tư vào những nhóm doanh nghiệp này. Ngoài ra, một điểm khá hay, hay là một góc nhìn mình thấy hay là cách tác giả chia sẻ những ví dụ về giá tài sản ngầm trên một cổ phiếu, so với với giá trị giao dịch của một cổ phiếu trên thị trường để người đọc nhận ra được lợi thế khi đầu tư vào những công ty này. Hay ví dụ liên quan đến Ford với lượng tiền mặt mà công ty này sở hữu. Dĩ nhiên, không phải công ty nào cũng giống nhau nhưng theo quan điểm cá nhân thì đây là một cách đáng để học hỏi.
TIếp theo, phần nội dung này sẽ đưa bạn đi qua 13 thuộc tính của 1 công ty lý tưởng. Theo mình thì đây chỉ mang tính chất tham khảo và không hẳn áp dụng được ở Việt Nam, hơn nữa một vài tiêu chí trong đây có vẻ khá cảm tính và không có cơ sở rõ ràng lắm. Những tiêu chí như tên gọi công ty – sản phẩm không thú vị chẳng hạn, có lẽ dựa vào kinh nghiệm trên thị trường của tác giả. Tuy nhiên, những tiêu chí khác như lợi thế độc quyền – ngành ứng dụng công nghệ hay việc công ty mua lại cổ phần của chính mình là điều mà mình có thể cân nhắc để thêm vào danh sách nghiên cứu, tổng kết
Và cuối cùng tác giả cũng chỉ ra thêm các yếu tố mà bạn cần phải nhìn nhận để tránh xa một số cổ phiếu nhất định, đơn cử như cổ phiếu nóng nhất của ngành nóng nhất hay cổ phiếu được nhận định như một Intel/IBM thứ hai hoặc công ty đa dạng hóa một cách vô tội vạ.
Nhìn chung, thông tin trong phần này sẽ giúp bạn hình thành một lớp phân loại và lưới lọc các doanh nghiệp để có thể đi sâu hơn phân tích về các doanh nghiệp đó. Dĩ nhiên, những thông tin được nêu ra ở dây chỉ dừng lại ở mức độ tổng kết nội dung quyển sách và mình nghĩ mỗi cá nhân, bao gồm mình sẽ cần một khoảng thời gian dài để kiểm chứng, và đúc kết cho cho riêng mình.
Trình tự phân tích
Phần nội dung này mình đặt tên là trình tự phân tích không hẳn là vì nó hướng dẫn từng bước đi trong quá trình phân tích. Nó đơn giản là những bước bạn cần làm sau khi đã phân loại được công ty, có được một danh sách vài doanh nghiệp tiềm năng sau khi đã thực hiện lớp lọc đầu tiên. Sau đây là những bước cần có trong quá trình phân tích mà tác giả gợi ý
- Hai phút suy ngẫm là việc bạn tổng kết lại tất cả các lý do khiến bạn muốn mua 1 cổ phiếu nào đó và cố gắng tường thuật một cách rõ ràng nhất thì có lẽ bạn đã hiểu trọn vẹn mọi vấn đề, thông tin của doanh nghiệp đó
- Tiếp cận thực tế: là việc đi kèm khi bạn tìm khai thác thông tin từ nhân viên môi giới hay tiếp xúc trực tiếp với công ty thông qua cách gọi điện, thăm trụ sở công ty hay liên lạc với những người ở phòng quan hệ đầu tư
- Thiết kế danh mục đầu tư để tối đa lợi nhuận và điều này chỉ có thể đạt được bằng cách thực hiện 1 chiến lược kiên trì và lâu dài qua cả những giai đoạn thăng trầm của thị trường. Và để tính được mức lợi nhuận thực tế, đừng quên tính luôn cả chi phí các bản tin thường kì, các tạp chí tài chính, tiền hoa hồng, phí tham gia hội thảo đầu tư.
- Thời điểm mua và bán tốt nhất: thật ra sẽ không có một thời điểm mua và bán tốt nhất. Người ta vẫy hay nói rằng khó để timing the market, thay vào đó hãy cố gắng tăng time in the market. Chính vì thế, khi đã hiểu được mọi thứ bởi 2 phút suy ngẫm rồi thì bạn nên cân nhắc mua. Và khi muốn bán, hãy học cách suy nghĩ vè những lý do khiến bạn mua cổ phiếu để quyết định thời điểm bán
Dĩ nhiên, những bước thực hiện này như mình luôn nhấn mạnh từ đầu bài viết đến giờ, là những gợi ý và bản thân mình cần thời gian để kiểm chứng nó, thay đổi để nó phù hợp với chính cách thức đầu tư và khẩu vị rủi ro của cá nhân mình.
Các chỉ số cần phân tích
Khi nói về các chỉ số cần phân tích, có rất nhiều chỉ số mà tác giả đề cập tới, trong đó có những chỉ số như
- Phần trăm doanh số bán hàng
- Chỉ số Giá cả/Thu Nhập (P/E)
- Yếu tố nợ
- Cổ tức
- Giá trị ghi sổ
- Hàng tồn kho
- Tốc độ tăng trưởng
- Đường đáy (Bottom line)

Nhưng thông tin quan trọng nhất được tác giả nhấn mạnh liên tục là thu nhập. Một hình ảnh hoán dụ rất hay mà tác giả nói tới đó là việc coi công việc của bạn như một cổ phiếu, có người có công việc ổn định, lương thấp, mức tăng khiêm tốn. Có người thì lương cao và dự đoán được mức tăng hay thậm chí có người có thu nhập không ngừng tăng trưởng, v.v. Thật ra khi đọc tới đây, mình chợt nhật ra nếu bạn nhìn nhận công ty như nhà đầu tư vào doanh nghiệp là bạn, thì bạn cần phải mang lại lợi tức, phải mang lại thu nhập cho nhà đầu tư thì mới có thể nhận được những khoản đầu tư (mức tăng lương) tốt hơn so với việc chỉ là một người đi làm bình thường
Quay lại câu chuyện cổ phiếu, thì thu nhập dẫn bạn tới chỉ số P/E nổi tiếng khi nó biểu thị mối quan hệ giữa giá và thu nhập của công ty. Nó tương ứng với số năm mà công ty cần để làm ra số tiền tương đương với số đầu tư ban đầu của bạn. Và để biết nên có mức P/E thế nào, bạn nên đem so sánh với các doanh nghiệp trong ngành hay quan sát xu hướng P/E qua một thời gian đủ dài để hiểu được về khuynh hướng của nó. Một công ty có mức P/E cao phải có mức tăng trưởng thu nhập đủ để phù hợp với mức giá cao đè nặng lên cổ phiếu.
Cuối cùng, khi bàn về thu nhập tương lai, nếu bạn không dự đoán được thu nhập tương lai, thì ít nhất bạn cũng có thể nhận thấy công ty đang có những kế hoạch gì để tăng thu nhập. Sau đó bạn có thể kiểm tra định kì để xem kế hoạch có thực tế hay không.
Khác
Tác giả cũng điểm qua 12 điều ngớ ngẩn và sai lầm mà ông thấy trên thị trường chưng khoán. Thật ra khi đọc tới phần này, có lẽ bạn sẽ thấy buồn cười là tại sao người ta lại gặp phải những sai lầm này. Ví dụ như giá cổ phiếu nó đã xuống thấp quá rồi không thể thấp hơn nữa hay nó đã tăng quá cao rồi nên sẽ không thể cao hơn nữa, hoặc chăng là công ty đó sẽ sớm quay trở lại. Thế như, cá nhân mình nghĩ là khi bạn đã dấn thân vào thị trường, và nhất là trong những hoàn cảnh lạc lối, bạn hoàn toàn có thể vướng vào những cái bẫy suy nghĩ này. Khi đọc tới đây, việc mình làm là liệt kê lại những lỗi này và tự đưa ra một lời nhắc nhở về việc nhìn lại những lời khuyên này khi gặp phải những hoàn cảnh tâm lý dễ bị dao động như thế này
Cuối cùng, những thông tin cơ bản về hợp đồng quyền chọn, tương lai và bán khống cũng được tác giả chia sẻ góc nhìn của mình khi ông cho rằng đây là những sản phẩm tài chính tiêu cực, biến tướng và nhìn chung, ông không ủng hộ những sản phẩm này vì theo ông, nó không phải là hình thức đầu tư mà là một trò chơi đánh cược may rủi.
Kết

Thật ra những thông tin mình nêu trên là những tóm tắt ngắn gọn của cá nhân mình. Mình cũng không đủ kinh nghiệm và kiến thức để có thể đánh giá được rằng những thông tin trên là đúng hay sai cũng như đưa ra những đánh giá về cách phân tích, viết lách của tác giả. Hơn nữa, mình cũng không viết nó ra để khuyến khích hay chỉ dẫn đầu tư. Việc viết ra bải tổng kết này bản thân mình chỉ muốn nó giúp mình nhớ kĩ hơn nội dung và sẽ chỉ dừng lại ở mức độ tổng hợp ngắn gọn nhưng phần chính để bạn có thể xem qua nó và tự đưa ra quyết định rằng có muốn đọc kĩ hơn qua lời viết của tác giả hay không. Cá nhân mình vẫn tin rằng những thông tin này sẽ cần rất nhiều thời gian để mình kiểm chứng, đúc kết để có được một kim chỉ Nam phù hợp với bản thân mình hay bạn. Hi vọng bạn thích bài viết như bản chất thật sự của nó: một bản tóm lược nội dung.
Nhật Minh Ngô