Business Adventure – Những chuyến phiêu lưu trong kinh doanh

Trong năm 2021 vừa rồi, số lượng sách mình đọc dần bớt đi mà thay vào đó mình tập trung đọc nhiều hơn về một vài chủ đề nhất định. Tài chính cá nhân và đầu tư là một trong những đề tài mà hiện tại mình tập trung và Business Adventure là một trong số những quyển sách hay mà mình đọc trong năm 2021. Thật ra đây không phải là lần đầu tiên mình đọc quyển này. Mình nhớ đâu đó tầm năm 2015 khi thấy Bill Gates cùng Warren Buffett chia sẻ về Business Adventure, mình đã mua bản Kindle về đọc. Có điều tại thời điểm đó, kiến thức chưa đủ khiến việc đọc và hiểu quyển sách này trở nên khó khăn nên mình quyết định dừng lại. Năm rồi, khi lục lại tủ sách cũ, mình quyết định phủi bụi nó vì nội dung liên quan tới chủ đề mà mình đang quan tâm. Hơn nữa, bản thân mình kì vọng rằng với một ít kiến thức tích luỹ được liên quan đến tài chính – kinh doanh, mình hi vọng bản thân đủ thời gian để hiểu được các câu chuyện được trình bày trong sách.

Về mặt cơ bản, sách gồm 12 chương với mỗi chương là một câu chuyện hoàn toàn riêng biệt đưa bạn đến với thế giới Wall Street vào những năm 1960 tại Mỹ. Mình chia sách thành 3 mảng nội dung chính sau đây

Thị trường chứng khoán

Những câu chuyện liên quan đến thị trường chứng khoán là phần nội dung chiếm sóng nhiều nhất trong Business Adventure. Một vài khía cạnh chính liên quan đến thị trường chứng khoán được kể lại khá chi tiết trong sách. Và thật ra, nếu bạn có tham gia vào thị trường này, bạn sẽ nhận ra đâu đó bản thân mình trong đó cũng như những bài học bất di bất dịch.

Những cú sụp nhỏ: tâm lý thị trường

Những cú sụp đổ nhỏ và phản ứng tâm lý đi kèm. Nguồn: Sofi

Đầu tiên, thị trường chứng khoán là nơi minh chứng rằng con người hoàn toàn bị tâm lý chi phối. Chỉ một cú trượt nhỏ trên thị trường chứng khoán vào năm 1962 đã khiến đám đông hoang mang sợ hãi. Việc người người nhà nhà tập trung vào việc đặt lệnh cổ phiếu thay vì ăn trưa là một dấu hiệu cho một sự việc nghiêm trọng đang xảy ra. Thị trường tại cú trượt đó bị thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi của những người đầu cơ, của những người đầu tư bằng đòn bẩy và họ hoàn toàn không có khả năng chi trả cho số nợ họ vay để mua cổ phiếu. Hơn nữa, một bài học lớn rất lớn ở đây là thị trường sẽ luôn có xu hướng hồi phục trở lại rồi sẽ đảo ngược đà hồi phục đó bằng một cú trượt khác. Nhưng trong khoảng thời gian dài hạn, thị trường sẽ luôn có xu hướng đi lên và các quỹ đầu tư là một trong những nguồn lực đủ mạnh để chống đỡ các cuộc khủng hoảng. Một câu quote khác rất hay mà mình đọc được từ sách, dịch đại ý ra rằng:

Bạn thật ngu ngốc khi nghĩ rằng mình có thể rút khỏi thị trường chứng khoán sau khi nếm được một chút mật ngọt mà nó mang lại

Business Adventure

Texas Gulf Sulphur

Thông tin mật, nội bộ vốn luôn là món hàng mà Trader cực kì ưa thích.

Tiếp theo, đôi lúc bạn sẽ nghe nói rằng thị trường chứng khoán là thị trường của thông tin. Chỉ một vài thông tin đơn giản, tích cực thôi cũng đã đủ đẩy giá cổ phiếu của một công ty lên cao khi người người nhà nhà trở nên tham lam. Và cũng chỉ bằng một vài tin đồn tiêu cực về doanh nghiệp nào đó mà giá cổ phiếu của doanh nghiệp có thể tụt không phanh khi mọi người sợ hãi. Cũng chính vì thế, việc biết được các thông tin mật luôn là một mỏ vàng với các trader bởi lẽ đó là cách để họ đánh vào các cổ phiếu ngon và kiếm lời từ đó. Texas Gulf Sulphur là một câu chuyện như vậy khi trên thị trường chứng khoán vào những năm 1960, doanh nghiệp này là một doanh nghiệp hoạt động ổn định. Thế nhưng, việc tìm ra được một quặng sắt rất lớn tại Canada đã giúp những nhân viên tham gia vào quá trình tìm kiếm nhận ra rằng đây là một mỏ vàng với họ. Vì thế, họ tìm cách mua càng nhiều cổ phiếu của Texas Gulf Sulphur càng tốt, với lý do rằng việc đầu tư vào doanh nghiệp mình làm việc là một minh chứng cho sự cam kết với doanh nghiệp đó. Câu chuyện không dừng lại ở đó, kể cả cách giao tiếp của ban giám đốc khi đưa thông cáo báo chí cụ thể về quặng sắt lớn này cùng những hành động mua thêm cổ phiếu cũng bị đặt vào vòng nghi vấn. Và điều này đặt ra một câu hỏi rằng: Liệu nó có công bằng với những trader/nhà đầu tư khác trên thị trường chứng khoán hay không? Câu trả lời mình để bạn tìm hiểu, đánh giá, thế nhưng sau rất nhiều cuộc tranh cãi và những phiên toà thì những người thực hiện hành vi mua cổ phiếu khi biết được thông tin mật này đều đã nhận được sự trừng phạt thích đáng.

Making the Customers Whole: THE DEATH OF A PRESIDENT

Phần nội dung thị trường chứng khoán cũng sẽ đưa bạn đến một khái niệm liên quan đến phái sinh cùng hợp đồng tương lai về hàng hoá, mà cụ thể ở đây là đậu này. Việc doanh nghiệp trong câu chuyện này (Haut) kí kết hợp đồng phái sinh với Allied, và sự thật thì đây là hợp đồng duy nhất của công ty này cũng như Haut cũng đã thực hiện những khoản vay lớn để đảm bảo việc thực thi hợp đồng một cách trơn tru, đã đặt Haut vào một tình thế gần như là phá sản. Điều nguy hiểm là các nhà đầu tư bỏ tiền vào Haut thông qua thị trường chứng khoán hoàn toàn không thực hiện các lệnh rút tiền được vì tài khoản của họ bị đóng băng. Câu chuyện là quá trình mà các lãnh đạo thị trường chứng khoán Mỹ đưa ra các chính sách giúp Haut tạm thời tránh được tình trạng vỡ nợ để qua đó giúp các khách hàng liên quan có thể thực hiện các lệnh rút tiền ra khỏi tài khoản của mình.

The Last Great Corner: A COMPANY CALLED PIGGLY WIGGLY

Phần nội dung cuối cùng, cá nhân mình nói thật là vẫn cần thời gian để có thể hiểu được hoàn toàn câu chuyện này nhưng theo mình đánh giá là phần hay nhất của hạng mục này. Nó là một câu chuyện mang đến cho mình rất nhiều khái niệm mới liên quan đến thị trường chứng khoán.

Khái niệm đầu tiên là việc lũng đoạn thị trường khi bên bò và bên gấu thách thức nhau với việc bên bò tìm cách để cổ phiếu đi lên còn bên gấu thì thực hiện mọi cách để giá cổ phiếu đi xuống. Điểm thứ hai khá thú vị là vì bên Gấu hoàn toàn không sở hữu số lượng cổ phiếu đủ lớn để thực hiện giao dịch trong cuộc đua này, họ sẽ vay mượn cổ phiếu từ các người môi giới chứng khoán (Broker). Về mặt bản chất, Broker cũng chỉ đơn giản là những người trung gian, họ không sở hữu cổ phiếu họ cho vay mà chính họ cũng phải vay từ lượng cổ phiếu đang được lưu hành trên thị trường. Chính vì thế, bên Gấu đang thực hiện một canh bạc rủi ro với hi vọng rằng giá cổ phiếu sẽ đi xuống, họ sẽ có thể mua lại lượng cổ phiếu tương ứng để ăn chênh lệch, trừ đi các khoản phí liên quan. Thế nhưng, rủi ro lại nằm ở chỗ giá cổ phiếu hoàn toàn có thể đi lên và nhóm gấu sẽ mất khả năng trả nợ số cổ phiếu mà họ vay mượn.

Cuộc chiến này diễn ra giữa bên gấu bán khống giá cổ phiếu, tung tin đồ xấu về doanh nghiệp để tác động đến tâm lý thị trường trong khi bên bò cố gắng mua lại các cổ phiếu này càng nhiều càng tốt. Tới một thời điểm nào đó, lượng cổ phiếu mà bên bò sở hữu đủ lớn để thị trường không thể thực hiện các giao dịch mua bán nữa, khi đó thị trường cổ phiếu đó bị dồn vào góc tường. Và nhóm gấu xấu số đã thất bại hoàn toàn, họ buộc phải mua lại lượng cổ phiếu tương ứng với giá cao hơn để trả nợ.

Câu chuyện trong sách là một tình huống tương tự với Piggly Wiggly, một doanh nghiệp tạp hoá nhỏ quyết định thực hiện cú chơi lớn khi bán khống cổ phiếu của mình để giành lại công bằng cho doanh nghiệp của mình đang bị bôi xấu. Ông – đại diện cho bên gấu – đã gần như thành công nhưng lại thất bại ở phút cuối cùng khi Uỷ Ban Chứng khoán can thiệp vào hành động thao túng thị trường này. Tính đúng sai, mình không đủ tầm để đánh giá và để lại cho bạn đọc suy nghĩ. Với mình mà nói, đây là một trong những chương mình thấy hay nhất trong sách bởi có rất nhiều thứ mình đọc và biết được từ chương này để hiểu hơn một chút về thị trường chứng khoán.

Môi trường kinh doanh

Phần nội dung tiếp theo mà mình chia ra đó là Môi trường kinh doanh. Dịch ra tiếng việt thì nghe nó hơi chán, nhưng nội dung thì cá nhân mình thấy chỉ dừng lại ở mức độ vừa đủ, không quá hấp dẫn như phần nội dung Thị trường chứng khoán nêu trên.

The Fate of the Edsel: A CAUTIONARY TALE

Mẫu xe Ford Edsel từng được Ford dày công nghiên cứu, quảng bá nhưng rồi sớm bị đào thải. Nguồn: Driving.ca

Đầu tiên, câu chuyện về Ford Motor cùng quá trình hình thành, phát triển và quảng bá dòng xe Edsel được kể lại. Edsel dược Ford quảng cáo là dòng xe của tương lai khi nó hướng tới phân khúc tầm trung và được Ford dày công nghiên cứu và trang bị rất nhiều tính năng. Thế nhưng trái với kì vọng đề ra, Edsel đã được sinh ra không đúng thời điểm và thay vì là một cú hích như kì vọng, nó trở thành một sản phẩm bom xịt và được kết thúc vòng đời chỉ sau ba năm tồn tại

Xerox Xerox Xerox Xerox

Câu chuyện thứ 2 liên quan đến quá trình phát triển của doanh nghiệp. Bạn đọc tin công nghệ chắc biết tới Xerox với phòng nghiên cứu Palo Alto Research với GUI (Graphic User Interface) đầu tiên, làm tiền đề để Windows và Mac được phát triển như hiện tại. Thế nhưng, Xerox lại là một doanh nghiệp trong ngành công nghiệp in ấn và quá trình hình thành, phát triển của Xerox được tác giả kể lại khá chi tiết, từ những ngày đầu khó khăn suýt bị IBM mua lại cho tới thời gian mà toàn bộ nhân viên công ty đánh cược all in, thậm chí cả gia sản của họ vào công nghệ in ấn của công ty. Bên cạnh đó, công nghệ in ấn sẽ luôn đi kèm với những vấn đề liên quan tới bản quyền và nó cũng tác động tới các đạo luật dành cho việc in ấn. Một trong những lý do mình viết về chương này là Xerox trụ tại Rochester, New York và cũng đóng góp rất lớn cho việc tại trợ các dự án nghiên cứu tại trường đại học này. Rochester Institute of Technology là trường mà phòng Lab của mình tại Rennes liên kết khi mình thực hiện luận án Thạc sĩ. Thật ra kết quả lần đó cũng không quá xuất sắc, nhưng mém tí nữa mình đã có cơ hội được qua RIT để làm việc 1 thời gian rồi.

The Impacted Philosophers: NON-COMMUNICATION AT GE

Câu chuyện cuối cùng liên quan đến cách vận hành doanh nghiệp và cá nhân mình nghĩ thì đây là một trong những bài học quan trọng nhất trong môi trường kinh doanh: giao tiếp và minh bạch. Doanh nghiệp được tác giả đề cập ở đây là General Electric, một trong những tập đoàn hàng đầu ở Mỹ, khi các lãnh đạo cấp cao của tập đoàn bị lôi vào vụ kiện liên quan tới việc chống độc quyền thông qua các cuộc gặp bí mật nhằm thống nhất giá sản phẩm trên thị trường. Một trong những điểm quan trọng nhất của câu chuyện này là văn hoá giao tiếp tại GE đã khiến cho thông điệp đi từ lãnh đạo cấp cao xuống cấp dưới và ngược lại không được truyền tải một cách chính xác nhất. Điều này dẫn tới những kế hoạch và những hành động không đúng dù bản chất ban đầu của thông tin giao tiếp không phải là như thế. Xuyên suốt câu chuyện, điều thật sự nổi bật là cái nỗ lực vô vọng để giao tiếp tại GE và đôi khi bạn sẽ thấy buồn cười là thông điệp sếp lớn đưa xuống lại được nhân viên hiểu rằng mình được ra ám hiệu phá luật. Trong khi đó, nếu nhân viên thông báo rằng họ đang thực hiện vài cuộc đối thoại, gặp gỡ với đối thủ trong ngành thì sếp lại hiểu rằng đó chỉ đơn giản là những câu chuyện phù phiếm, trong khi nó lại là những nội dung khiến họ phải bóc lịch trước toà. Một điều mình thật sự thấy khó hiểu là có rất nhiều nghiên cứu, gợi ý, hướng dẫn cách giao tiếp cho cá nhân và tổ chức nhưng con người vẫn thường xuyên thất bại trong việc này. Và ở vai trò là một người quản lý dự án, việc giao tiếp với mình là cực kì quan trọng bởi nếu giao tiếp không đúng thì bạn sẽ không bao giờ làm rõ được kế hoạch hành động hoặc khi có sự cố xảy ra, bạn sẽ khó có thể tìm ra được nguyên nhân cốt lõi và cách giải quyết vấn đề một cách triệt để nhất.

Điều này càng khẳng định lời Warren Buffett nói là đúng

Bạn cần phát triển kĩ năng giao tiếp. Bạn cần phải viết mạch lại và trình bày một cách tường minh và hãy lắp đầu trí não của bạn. Cuộc sống sẽ trở nên tuyệt vời hơn rất nhiều khi mỗi ngày trôi qua là một ngày bạn học được rất nhiều thứ mà bạn chưa từng biết trước đó.

Warren Buffett

Tài chính – Kinh tế

Phần nội dung cuối cùng mà Business Adventure đề cập tới liên quan đến tài chính – kinh tế Vĩ mô với chính sách Thuế thu nhập cá nhân và chính sách quản lý tiền tệ. Đầu tiên, việc đóng thuế thu nhập cá nhân có lẽ là một vấn đề mà ai cũng gặp phải. Thế nhưng đã bao giờ bạn thắc mắc và ngạc nhiên không khi đọc các bài báo về số tiền đóng thuế cực kì ít của các triệu phú, tỉ phú trong khi giá trị tài sản mà họ sở hữu được là vô cùng lớn so với những người có mức thu nhập trung bình – trung bình cao? Quá trình hình thành nên các loại thuế thu nhập cá nhân cùng các cách thức đánh thuế được tác giả trình bày để bạn có thể hiểu được và giải thích được cái vấn đề nêu trên. Thật ra với mình, khi hiểu được nguyên do đằng sau mình không nghĩ tác giả viết ra để chỉ trích hệ thống thuế thu nhập cá nhân hiện tại mà nó là một cách để giải thích luật chơi và những tỉ phú, triệu phú mà bạn nghĩ tới là những người hiểu được trò chơi họ đang tham gia để có thể tối ưu hoá dựa theo các luật định của nó.

Cuối cùng, tác giả sẽ đưa bạn đi qua một dòng thời gian liên quan đến FED (Ngân hàng trung ương) – Chính sách tiền tệ cùng với chế độ bản vị vàng và cuộc khủng hoảng đồng bảng Anh vào những năm 1960. Trước tiên, FED là ngân hàng trung ương có vai trò quan trọng trong việc điều tiết nền kinh tế, tiền tệ của một quốc gia. Trong đó, FED của Mỹ có lẽ là một trong những ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới, với FED New York là cánh tay phải đắc lực trong việc thực hiện chức năng điều tiết tiền tệ và đối ngoại. Thêm vào đó, những năm 1960, nền kinh tế bản vị vàng còn được duy trì khi vàng được xem như là một đơn vị trao đổi giữa các đơn vị tiền tệ khác nhau. Mỗi quốc gia sẽ có một dự trữ vàng nhất định và điều đó là bảo tín cho đơn vị tiền tệ của quốc gia đó. Nếu lượng dự trữ vàng bị giảm đi một cách đáng kể, nó sẽ làm ảnh hưởng tới giá đơn vị tiền tệ, mà cụ thể ở đây là đồng Bảng Anh, khiến cho kinh tế Anh bị ảnh hưởng khi xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, việc đồng bảng Anh mất giá cũng sẽ gây nên tâm lý hoang mang và như một chuỗi domino, nó sẽ làm ảnh hưởng tới các đồng tiền mạnh khác của thế giới, trong đó có Mỹ. Chính vì thế, khi cuộc khủng hoảng xảy ra, FED Mỹ và New York đã phải can thiệp để ngăn cản sự mất giá này nhằm đảm bảo sự ổn định của kinh tế thế giới. Câu chuyện vẫn còn một vài bước ngoặt bất ngờ khác và mình để bạn tự khám phá. Với mình thì phần nội dung này đã khai sáng cho mình hơn về vai trò của FED cũng như chế độ bản vị vàng, dù hiện tại nó đã không còn được sử dụng.

Kết

Business Adventure là một quyển sách mà mình khuyến khích bạn bè của mình, thậm chí là cả bạn nữa đọc qua 1 lần. Bạn có thể tìm đọc bản dịch tiếng Việt để có thể hiểu rõ hơn các khái niệm, nội dung được tác giả trình bày. Phần mình thì vì cái tính ưa khó ưa khổ nên mình quyết định đọc luôn bản tiếng Anh. Dĩ nhiên khi viết ra từ bản tiếng Anh, qua cách hiểu của mình, đến bài trình bày này nó sẽ có những sự khác biệt về cách diễn giải khiến bạn khó hiểu. Nếu cần bạn cứ thoải mái comment để mình có thể hiệu chỉnh cho phù hợp. Về mặt chất lượng thì thật sự mình học được rất nhiều khi lần thứ 2 đọc quyển sách này và khi tổng kết nội dung 1 lần nữa, nhất là phần nội dung liên quan đến Thị Trường. Hi vọng bạn thích bài viết này và hẹn bạn ở những bài tổng kết sách tiếp theo nhé.

La LuMiere – Tháng 1, 2022

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s