Vậy là tới thời điểm này, bánh xe thời gian xoay vần tới ngày cuối năm để chuẩn bị cho 2022 sắp tới. Công bằng mà nói, 2021 là một năm mà Covid 19 gây ra sự tác động rất lớn đến cách mà mỗi người chúng ta làm việc, sinh sống. Mỗi người không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thích nghi và tiếp tục sinh sống. Với bản thân mình, 2021 là một năm mà mình đặt ra rất nhiều mục tiêu tham vọng, một số trong đó thì làm được, một số thì vẫn chưa và việc đọc sách là một trong những điều mà mình quyết tâm duy trì với mục tiêu: chất lượng hơn số lượng. Bằng việc giảm thiểu số lượng sách phải đọc trong năm qua, mình có thời gian để đọc chậm hơn, suy nghĩ nhiều hơn và có thời gian để tìm cách áp dụng những kiến thức đã học.
Chính vì thế, khi làm một cái tổng kết nhỏ về 2021, mình muốn viết một bài ngắn về 5 quyển sách mà mình thích nhất trong năm vừa qua cùng cách mà những nội dung này đã tác động đến bản thân mình.
Table of contents
Napkin Finance

Đầu tiên là Napkin Finance, bạn có thể tìm hiểu nội dung chính của sách qua bài tổng kết này. Về cơ bản, mình để quyển sách này ở đầu danh sách vì nó thật sự là một quyển sách rất đơn giản để đọc, để hiểu, và để tạo động lực cho bạn tìm hiểu thêm về các yếu tố liên quan đến tài chính – đầu tư – kinh tế. Mình xuất phát điểm là cậu sinh viên kĩ sư nhưng lại thích tìm hiểu một chút về kinh tế, tài chính. Thế nhưng, việc tìm hiểu một ngành học khác mà không qua đào tạo bài bản, có định hướng không phải là một điều dễ dàng. Napkin Finance không làm được việc đó, điều này là chắc chắn, nhưng nó như một quyển sách cực kì cơ bản giúp bạn hiểu được các khái niệm liên quan để từ đó có thể có một cấu trúc nhất định và tìm hiểu sâu hơn.
Tâm lý học về tiền
Quyển thứ hai mình ấn tượng nhất trong năm qua, cũng là một quyển sách khác liên quan đến tài chính – đầu tư. Có điều quyển sách này thì nó mang thiên hướng self-help nhiều hơn, bạn có thể tìm đọc bài viết chi tiết về quyển sách này tại đây. Còn với mình, đây là những lý do khiến mình thật sự rất thích quyển sách này:
- Tác giả đưa ra các yếu tố tâm lý tác động đến cách mỗi người hành xử khi đối mặt với tiền bạc, đối mặt với của cải, tài sản của người khác
- Việc có được một kế hoạch tài chính cụ thể cùng khoảng trống chưa chỗ cho sai lầm là một trong những nội dung được đề cao nhất bởi lẽ nó sẽ là chìa khoá giúp bạn ngủ ngon mỗi đêm
- Việc tích luỹ mà không cần một lý do cụ thể nào cũng được tác giả nhấn mạnh. Bởi lẽ khi đặt lên bàn cân so sánh việc cố gắng có thêm được 1 và điểm phần trăm lợi nhuận, so với việc nâng cao hiệu suất tiết kiệm của bạn thì bạn sẽ thấy được việc nào là dễ dàng để thực hiện hơn
- Bạn cần hiểu được trò chơi của mình để hiểu được giá trị mà tiền bạc mang lại cho bạn, và qua đó tránh việc bị cuốn vào trò chơi của người khác: người có mục tiêu và chân trời thời gian hoàn toàn khác bạn
Đơn giản thế thôi, còn một vài yếu tố khác những, mình để bạn đọc lại bài viết này hay đọc tác phẩm để có thể tự ngẫm nghĩ.
Người giàu nhất thành Babylon

Quyển này thì mình đọc từ đầu năm, cũng chưa có thời gian xem lại các ghi chú, suy ngẫm tại thời điểm đó để tổng kết. Đây là một trong những quyển mà mình sẽ cố gắng viết 1 bài tổng kết hay bài cảm nhận vì đây là một quyển sách mà mình nghĩ ai cũng nên đọc qua 1 lần. Thật ra, quyển này nó ngắn lắm, và cực kì đơn giản, dễ hiểu nhưng chứa đựng trong đó là bài học về việc tích luỹ của cải, và bằng việc bạn phải tự làm ra của cải thì mới hiểu được giá trị của nó để giữ gìn. Không dừng lại ở đó, bài học dạy con cách đầu tư cũng được truyền tải một cách đơn giản: bạn cần phải hiểu cái bạn đang đầu tư, còn không thì nó đơn giản là đang đánh bạc mà thôi. Hai bài học đơn giản là điều gây ấn tượng với mình cho đến bây giờ và hi vọng mình sớm có thể tổng kết lại 1 lần nữa những nội dung khác để suy ngẫm kĩ hơn và chia sẻ những bài học đi kèm trong sách.
Your Money or Your Life

Như đề cập ở đầu bài viết, Covid là một trong những yếu tố thay đổi rất nhiều thứ: tiêu cực có nhưng tích cực thì không phải là ít. Một trong những điều mà mình thấy tích cực nhất là Covid đã cho mình thời gian ở nhà nhiều hơn, và qua đó, giúp mình có nền tảng hơn để thúc đẩy cái hành trình tìm kiếm tự do tài chính. Thật ra, mọi thứ diễn ra khác vô tình: mình biết đến kênh YouTube của anh Hiếu Nguyễn với chuỗi bài về hành trình tự do tài chính của anh. Và rồi cũng vô tình mình lại đọc được Your Money or Your Life, một tấm bản đồ gợi mở hành trình tự do tài chính khác để có thêm động lực thực hiện hành trình này nhằm một mục tiêu: tới một ngày nào đó, mình sẽ không còn phải thức dậy và đi làm vì kiếm tiền, thay vào đó, mình hoàn toàn có thể dành thời gian để có thể làm những công việc mình ưa thích: đọc sách, viết lách một chút, .v.v với những người mình thích và yêu quý. Thời gian: cái tài sản vô giá mà hiện tại mình đang đánh đổi để kiếm tiền, sẽ được sử dụng theo cách mình muốn. Your Money or Your Life truyền tải nội dung đó:
- Thời gian của bạn là cái tài sản vô giá mà mỗi người có xu hướng phí phạm hằng ngày. Và việc đánh đổi thời gian để kiếm tiền là bạn đang đổi đi cái năng lượng sống của mình, chính vì thế, bạn cần phải có sự đánh đổi một cách thông minh: tăng thu nhập, giảm chi phí không cần thiết
- Sách đưa ra 1 tấm bản đồ cho bạn bắt đầu trên chuyến hành trình tự do tài chính. Dĩ nhiên, bạn không thể nào bê nguyên xi tấm bản đồ này mà áp dụng bởi lẽ chính bạn hay mỗi người có một cá tính khác nhau, quan niệm về tiền bạc khác nhau. Thế nhưng việc áp dụng tám bản đồ này cùng với đầu tư sẽ giúp bạn có thêm động lực dấn thân vào hành trình tự do tài chính.
Bạn có thể tìm hiểu kĩ hơn về nội dung sách qua bài viết này.
Educated

Những năm gần đây, mình đọc ít dần số lượng sách Memoir, tiểu thuyết. Không hẳn mình chê, mà phần vì mình nhiều khi không tìm dược sự đồng cảm trong những tác phẩm đó. Thế nhưng Educated là một trong những ngoại lệ hiếm, bởi lẽ cái hành trình tìm kiếm sự giáo dục, hay nói cách khác là tìm kiếm bản ngã của chính mình được tác giả: Tara Westover diễn tả rất chân thực, sống động và thậm chí là đắng nghét. Từ một cô bé không được học hành bài bản, tại Idaho, cô gái trẻ Tara Westover vượt qua được một thử thách khó nhằn là bài thi ACT dể được nhận vào trường Brigham Young University (BYU). Để rồi từ đây, chuyến hành trình học vấn đưa cô đến Cambridge, Harvard để tìm được bản ngã của chính mình. Cái bản ngã này là một sự đấu tranh, giằng xé giữa gia đình: ba mẹ, tôn giáo, các anh chị em trong nhà và cái khát vọng được vươn lên, được sống với tri thức mà Tara mong muốn. Cô đối mặt với muôn vàn khó khăn: bị người anh bạo lực từ nhỏ, bị cái tôn giáo của gia đình kèm cặp, đè nén, bị tổn thương khi trong suốt hành trình ấy, cái cuối cùng mà gia đình mong mỏi vẫn là cô buông bỏ tất cả những tri thức mình có được để đi theo con đường tôn giáo của họ. Họ yêu thương cô, điều này là điều không cần phải bàn cãi nhưng khi đứng giữa tình thương và những nề nếp, lề thói của tôn giáo, xã hội, thì tình thương không thể thắng được những yếu tố bên ngoài ấy. Cuối cùng, giữa những lựa chọn đó, Tara chọn cái bản ngã của chính mình, lựa chọn được Educated để bản thân mình được sống đúng với chính cô.
Bạn có thể tìm đọc lại bài viết cũ tại đây và thậm chí, mình khuyến khích bạn nên đọc quyển sách này bởi lẽ bạn không thể bỏ nó xuống được đâu. Chuyến hành trình này thật sự đặc biệt và mình nghĩ nó sẽ mang lại cho bạn cái động lực để học, để cải thiện bản thân mình mỗi ngày.
Bonus
Bên cạnh 5 quyển sách kể trên, mình cũng khá ấn tượng hai quyển sách sau đây nhưng thật sự chưa có đủ thời gian để tóm tắt, để viết ra những suy ngẫm liên quan đến nó.
Business Adventure
Mình từng đọc dở quyển này vào năm 2015, thật sự tại thời điểm ấy mình không đủ kiến thức để hiểu những nội dung trong sách nên sau đó mình quyết định dừng lại. Năm nay khi lục lại tủ sách Kindle thì tự dưng muốn đọc nên mình quyết định đọc kĩ hơn, dành nhiều thời gian hơn cho nó. Cũng may là dần dần có một chút kiến thức cơ bản về doanh nghiệp, tài chính nên lần đọc này, mọi thứ dễ hiểu hơn. Sách là 12 mẩu chuyện về kinh doanh – thị trường tài chính ở Phố Wall. Nó dẫn bạn đi qua rất nhiều mẩu chuyện như tâm lý thị trường khi có biến cố, sự kiện thao túng thị trường, mua số lượng lớn cổ phiếu khi nắm được những thông tin mật. Không dừng lại ở đó, những câu chuyện liên quan đến văn hoá doanh nghiệp như Xerox, General Electric sẽ khiến bạn suy nghĩ về cách doanh nghiệp thành công, phát triển hay đôi khi là gặp khó khăn vì chính nền văn hoá của họ.
Mình sẽ cố gắng sắp xếp thời gian viết một bài riêng cho Business Adventure để tổng hợp chi tiết hơn nội dung trong sách.
Prepared

Prepared là quyển sách cuối cùng mình đọc trong năm 2021 và thật sự đây là một quyển mà bất kì ai làm ba mẹ cũng nên đọc. Đầu tiên, Giáo dục Mỹ tuy tốt nhưng không phải nó không tồn đọng vấn đề. Một trong những vấn đề đó là việc trẻ không được chuẩn bị – định hướng cho môi trường đại học hay cuộc sống sau này. Thật ra, nếu nhìn rộng hơn thì không chỉ Mỹ mà ngay cả giáo dục Việt Nam cũng gặp phải những vấn đề tương tự này. Ngoài ra, một vấn đề rất nổi cộm là cách giảng dạy, cách học và cách chấm điểm hiện tại không giúp trẻ có cơ hội phát huy những kĩ năng cần có để đi làm sau này: tư duy – làm việc nhóm – lên kế hoạch – suy ngẫm, tiếp nhận phản hồi, v.v. và chính điều này khiến số lượng học sinh duy trì cấp học đại học – sau đại học và thành công trong công việc sau này là không nhiều.
Prepared là tác phẩm của Diane Tavenner, viết về hành trình xây dựng một ngôi trường không theo khuôn mẫu. Tại nơi đó, trẻ bên cạnh học kiến thức để chuẩn bị cho việc thi cử, còn có cơ hội áp dụng những kiến thức đó vào thực tế những dự án nhỏ, những hoạt động trong trường để trẻ có cơ hội rèn luyện các kĩ năng mềm cũng như tìm ra các “ing” mà trẻ thích: brainstorming, planning, presenting, v.v. chứ không phải là những câu trả lời mang tính gán định rằng mình sẽ theo học ngành Y, theo học Máy Tính, v.v.
Dĩ nhiên, bạn không thể nào mà đi học ở trường này rồi, mình ở Việt Nam mà, thế nhưng sách có những phần tóm tắt các hoạt động mà những ông bố bà mẹ có thể tham khảo nhằm áp dụng những hoạt động đó tại nhà để giúp con chuẩn bị cho một tương lai mà khi đó, nó tự lo được, không mang phiền hà mà mang tiền về.
Kết
Thật ra tới đây thì bài viết cũng dài rồi, mình cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bản tóm tắt ngắn gọn này và nếu được, bạn có thể đọc bản chi tiết hơn tại các đường dẫn đính kèm nếu có. Hi vọng những quyển sách trong đây có thể được thêm vào danh sách đọc năm sau của bạn. Nếu có bất kì bình luận nào, bạn cứ thoải mái góp ý giúp mình nhé.
La LuMiere, Tháng 12, 2022
One thought on “Top 5 quyển sách trong năm 2021”