Napkin Finance – Tài chính cơ bản

Một trong những thứ dần hấp dẫn mình trong năm nay là tài chính. Vốn dĩ từ thời cấp 3 khi lựa chọn ngành học, mình đã nghĩ tới 2 hướng: kĩ thuật và kinh tế. Rồi run rủi thế nào mình chọn học kĩ thuật trước và trong suốt chuyến hành trình từ một anh sinh viên kĩ thuật tới vị trí một người làm quản lý dự án IT tại thời điểm hiện tại, mình vẫn thường xuyên dành thời gian đọc về quản lý, quản trị và kinh tế – tài chính. Thật ra nói dành thời gian đọc là thế, nhưng để hiểu một cách có hệ thống các kiến thức tài chính – kinh tế hay đầu tư thì cho tới nay mình vẫn nhiều lần rơi vào cảnh vá đầu này, đắp đầu kia vì kiến thức cứ lủng chỗ này thiếu chỗ nọ. Còn để hệ thống hoá nó hơn thì thật ra mình chưa có đủ thời gian để làm được việc đó. Napkin finance có thể xem như một giải pháp cơ bản nhất được Tina Hay viết ra để mang lại cho bạn những kiến thức căn bản nhất của tài chính – đầu tư và kinh tế học. Và đó là lý do tại sao mình muốn viết một review ngắn gọn về quyển sách này bởi lẽ nó gãi được đúng chỗ ngứa của mình và mình tin rằng cũng sẽ có nhiều bạn được lợi khi đọc qua quyển sách này

Napkin Finance: Build Your Wealth in 30 Seconds or Less: Hay, Tina:  9780062915030: Amazon.com: Books
Napkin Finance cơ bản nhưng đáng từng phút bạn đọc.

Về mặt nội dung, sách gồm 9 chương với các nội dung cực kì cơ bản về tài chính, nhưng ở cách mình nhìn nhận thì sách có thể được chia làm các phần nội dung chính sau đây

Tiền – Tài chính

Phần nội dung này được rải rác từ đầu đến cuối quyển sách nhưng tựu chung có các điểm mà bản thân mình cảm thấy hữu ích sau về mặt

Tài chính (cá nhân)

Tác giả sẽ dẫn bạn đi qua các khái niệm cơ bản nhất của lãi suất – lãi suất kép là gì khi nó là một trong những kì quan hàng đầu của nhân loại. Từ đó, việc hiểu thêm về cách quản lý tài chính cá nhân như việc xây dựng các Quỹ tiết kiệm (Saving fund)- Quỹ dự phòng (Emergency Fund) và chuẩn bị cho hành trình tiết kiệm là một trong những nội dung khá hay mà tác giả mang tới cho bạn. Cơ bản thôi, đầu tiên bạn cần phải có được một kế hoạch chi tiêu hàng tháng (Budgeting) cho cuộc sống của mình, điều này được thể hiện qua tỉ lệ 50 – 30 – 20, tức là 20 % đầu tư – 30% tiết kiệm và 50% là chi phí sinh hoạt của bạn. Dĩ nhiên con số này tuỳ thuộc vào tình hình và mức sống của bạn, nó chỉ là một ví dụ mẫu về cách phân chia nguồn thu của bạn – gia đình. Từ đó, việc xây dựng được một quỹ dự phòng tầm 6 – 12 tháng tiêu xài của bạn là một gợi ý để bạn đảm bảo an toàn cho cuộc sống của mình khi những sự việc bất ngờ xảy đấy. Sau đó, một trong những sản phẩm tài chính khác mà bạn có thể tìm hiểu là Bảo hiểm để nâng cao mức độ an toàn cho bạn và gia đình. Cuối cùng, việc lên kế hoạch nghỉ hưu là một điểm khác mà tác giả trình bày, có điều nội dung trong sách lại liên quan đến các quỹ nghỉ hưu tại US như 401s nên theo quan điểm của mình thì bạn khó có thể áp dụng được ở phần nội dung này. Có điều, việc hiểu được những hạng mục liên quan đến tài chính cá nhân có lẽ sẽ giúp bạn lên những mục tiêu sơ bộ để tìm hiểu chúng, qua đó đảm bảo cho bạn một cuộc sống với bức tranh tài chính ổn định.

Banking, Finance & Management – Talentul
Tài chính cá nhân là một chủ đề quan trọng được đề cập trong sách

Một phần nội dung khác cũng khá chung, nhưng mình xếp nó vào hạng mục này là Credit Card – Credit Points (Thẻ tín dụng – Điểm tín dụng). Thật ra, theo quan điểm của mình, Credit Card là một sản phẩm tài chính mà nếu biết cách sử dụng, bạn sẽ nhận được những lợi ích từ nó. Ví dụ, mình vẫn hay sử dụng credit card để thanh toán trả góp cho các sản phẩm công nghệ của gia đình thay vì phải trả nguyên một cục bự, điều này giúp mình có tiền để làm những việc khác hay không cảm thấy quá tiếc khi phải thanh toán nguyên một cục bự cha bá. Tuy nhiên, để tránh rơi vào bẫy thẻ tín dụng, bạn cần phải nhắc mình phải thanh toán sao kê đúng hạn, nếu không phần nợ đó sẽ được tính lãi với tỉ suất lãi mẹ đẻ lãi con. Điều này đặt bạn vào hoàn cảnh khó khăn của việc nợ nần, cũng như sẽ ảnh hưởng tới điểm tín dụng của bạn và điều đó sẽ khiến bạn gặp khó khăn khi cần thực hiện các khoản vay lớn như mua nhà – mua xe trong tương lai.

Tương lai của tiền

Blockchain là gì? Tất tần tật về công nghệ Blockchain cho người mới
Blockchain hiện đang trở thành một trong những hướng đi công nghệ đầy tiềm năng trong tương lai

Một trong những nội dung cơ bản cũng được đề cập đến trong sách là Blockchain với Bitcoin là một ví dụ điển hình. Dĩ nhiên, tác giả không đi sâu vào phân tích về công nghệ đi cùng với Blockchain, các loại hình blockchain hiện tại mà chỉ đơn giản giới thiệu chung về phát minh này khi nó tạo ra một bản ghi không thay đổi hay phá huỷ, bao gồm các thông tin đi kèm của một vật nào đó. Bitcoin là một ví dụ khi thông tin giao dịch sẽ được lưu trữ vào blockchain và không thể thay đổi được. Tuy nhiên, blockchain sẽ không chỉ dừng lại ở việc thay thể tiền trong tương lai mà còn có thể mang lại rất nhiều lợi ích khác như Smart Contract, NFT, v.v.

Đầu tư

Phần nội dung mà mình thấy thích tiếp theo là về đầu tư. Thật ra, ai cũng nói rằng đầu tư quan trọng. Thế như trong thế giới đầu tư đa dạng và phức tạp thế này, việc bắt đầu bằng những thông tin căn bản, nền tảng nhất có lẽ là một điểm quan trọng. Đầu tiên là tại sao bạn cần phải đầu tư? Thật ra có vô vàn lý do khiến bạn cần phải đầu tư: lạm pháp, bảo hiểm xã hội không đủ đảm bảo cuộc sống của bạn sau này, v.v. Thật ra tác giả đưa ra những lý do đơn giản thôi: đầu tư là cách để bạn làm tiền sinh ra tiền, và bởi vì lịch sử cho thấy rằng thị trường chứng khoán hay các quỹ đầu tư mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với bảo hiểm xã hội chẳng hạn. Nhất là trong hoàn cảnh nền kinh tế thường có xu hướng phát triển, kết hợp với sự phát triển của công nghệ, sức mua tăng lên, việc đầu tư trong khoảng thời gian dài sẽ giúp bang mang lại khoản lợi nhuận cho nguồn tiền của bạn, qua đó giúp bạn bước trên quãng đường tự do tài chính. Hơn nữa, việc lạm phát là một yếu tố hiển nhiên trong quá trình vận hành của nền kinh tế, tiền của bạn sẽ mất giá dần dần nếu bạn không tìm cách khiến chúng sinh sôi nảy nở.

Đầu tư (Investment) là gì? Xác định hàm đầu tư
Đầu tư hôm nay để tự do tương lai. Nhưng đầu tư thế nào?

Ok, vậy rồi có những loại hình đầu tư như thế nào? Các khái niệm như Chứng khoán – Thị trường chứng khoán – Trái phiếu sẽ được giải thích một cách đơn giản như một cách để công ty huy động vốn để thực hiện những chiến lược phát triển, mục tiêu kinh doanh và bạn trở thành một chủ sở hữu của công ty. Từ đó, với việc có được một cái nhìn tổng thể cùng các đặc tính cơ bản của Chứng khoán – trái phiếu, các quỹ đầu tư phổ biến sẽ được đề cập tới, bao gồm: Mutual Fund – Index Fund – Hedge Fund và ETF. Mỗi quỹ sẽ có một đặc điểm riêng biệt nhưng theo mình đọc và tìm hiểu được thì việc bắt đầu đầu tư từ các quỹ ETF là một lời khuyên khá phổ biến của rất nhiều chuyên gia tài chính. Dĩ nhiên, bạn sẽ có một góc nhìn riêng biệt cũng như khẩu vị rủi ro khác với bản thân mình để lựa chọn được những chiến lược đầu tư, cách đa dạng hoá danh mục của mình để lựa chọn loại quỹ phù hợp. Nhưng cá nhân mình nghĩ rằng việc hiểu được một cách đơn giản và tổng quan nhất các quỹ phổ biến, để từ đó bạn có thể đào sâu nghiên cứu là một việc cần làm, và Napkin Finance là một khởi điểm tốt như thế.

Một trong những điểm mà mình thích nhất, chắc được gọi là một trong những chỗ gãi ngứa tốt nhất mà sách làm được đó là giải thích được thị trường Bò và thị trường Gấu (Bull – Bear Market). Thật ra, như mình đề cập ở trên, mình không có kiến thức nền về tài chính – kinh tế nên khi đọc qua vài quyển sách về đầu tư, các khái niệm thị trường Bò – Thị trường gấu thật sự khiến mình cảm thấy bối rối. Vậy mà sách giải thích đơn giản chắc cũng như ăn cơm: thị trường có xu hướng đi lên sẽ như cái sừng của con bò và sẽ có lúc có xu hướng đi xuống như khi con gấu tấn công bằng cách đánh từ trên cao xuống. Hình tượng quá đơn giản hoá mà giúp mình hiểu được một khái niệm nhức nhối trong một khoảng thời gian khá dài.

Cuối cùng, nói về việc đầu tư thì không thể thiếu việc điểm qua các thông tin cơ bản về một công ty, bắt đầu từ việc khởi nghiệp cùng với 1 kế hoạch kinh doanh cụ thể. Để rồi sau đó, khi công ty đạt tới một độ lớn nhất định nào đó thì việc chuyển mình từ một công ty tư nhân sang một công ty đại chúng sẽ được thực hiện hoạt động IPO để huy động vốn. Ngoài ra, để đầu tư vô các công ty, dù đó là công ty khởi nghiệp hay một doanh nghiệp đã lớn mạnh, việc hiểu rõ về hoạt động của các công ty là một việc quan trọng mà bất kể nhà đầu tư nào cũng phải thực hiện và tiềm năng hay hoạt động của bất kì công ty nào cũng sẽ được thể hiện qua các Báo cáo tài chính – Báo cáo doanh thu và lợi nhuận và Bảng cân đối kế toán. Các báo cáo này sẽ mang lại một bức tranh về hoạt động của công ty và tiềm năng lớn mạnh của công ty đó trong tương lai. Dĩ nhiên, sẽ còn rất nhiều yếu tố khác như ban lãnh đạo – thị trường – đối thủ cạnh tranh nhưng với cá nhân mình, thì các thông tin cơ bản trong sách sẽ đưa ra các từ khoá quan trọng để bạn có thể tự tìm hiểu thêm để xây dựng vốn kiến thức cho chính bạn.

Kinh tế

Phần nội dung chính tiếp theo mà mình gom lại chủ yếu đưa ra các khái niệm cơ bản nhất của Kinh tế học. Đầu tiên là khái niệm cơ bản liên quan đến GDP (Gross Domestic Product) là sản phẩm và dịch vụ mà một quốc gia tạo ra trong 1 năm. Từ đó, GDP được xem như một chỉ số tổng quan về nền kinh tế của một quốc gia và là cách để người ta đánh giá rằng nền kinh tế đang phát triển hay thụt lùi với tỉ lệ bao nhiêu. GDP bao gồm 4 thành phần cơ bản là Tiêu dùng (Consumption) – Đầu tư (Investment) – Chi tiêu chính phủ (Government Spending) và những hạng mục kinh tế không được tính toán vào

5 Charts That Explain the Global Economy in 2018 – IMF Blog
Các khái niệm kinh tế cơ bản cũng được diễn giải đơn giản, dễ hiểu

Tiếp theo, khái niệm cơ bản của lạm phát được trình bày khi nó thể hiện sự tăng giá của sản phẩm, đồ tiêu dùng qua thời gian. Có rất nhiều yếu tố gây nên sự làm phát như nền kinh tế đang bùng nổ với việc người dùng chi tiêu nhiều hơn khiến giá cả tăng cao. Hay giá năng lượng cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng tới giá cả sản phẩm – vận chuyển hàng hoá, qua đó làm giá cả tới người dùng tăng cao. Một ví dụ điển hình là cuộc khủng hoảng giá dầu hiện tại cùng việc hệ thống vận chuyển thương mại của thế giới đang gặp khó khăn do Covid-19 cũng là một nguyên nhân khiến nguy cơ lạm phát trong thời gian tới tăng cao

Từ việc lạm phát, đi kèm với các yếu tố như lãi suất tăng cao – bong bóng chứng khoán, nền kinh tế hoàn toàn có thể đi vào thời kì suy thoái: thời kì mà quy mô kinh tế thu hẹp thay vì phát triển. Cụ thể hơn, thời kì suy thoái được định nghĩa bằng việc GDP sụt giảm 2 quý liên tiếp và đi kèm với nó là sức mua suy giảm của nền kinh tế. Tới đây, FED sẽ là một thực thể nhảy vào câu chuyện này để thực hiện những biện pháp chính sách để duy trì nền kinh tế –  việc làm và đảm bảo giá cả được bình ổn. FED là Cục dự trữ liên bang Mỹ – hay cũng có thể được coi là ngân hàng trung ương của quốc gia này. Thật ra, mỗi quốc gia sẽ có 1 thực thể tương ứng nhằm thực hiện những công việc nêu trên, ở nước ta thì có Ngân Hàng Nhà Nước có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát lãi suất – lạm phát và nền kinh tế

Phần nội dung này cũng khá đơn giản thôi, mình chỉ tổng kết lại những ý chính chứ để có thể hiểu được sâu hơn thì có lẽ bạn cần phải đào sâu về kinh tế vĩ mô – vi mô gây ảnh hưởng tới lạm phát, giá cả, lãi suất và cách thức các ngân hàng Trung ương thực hiện để có thể điều tiết những yếu tố này.

WOW Your Friends

Phần nội dung cuối cùng mà mình thấy khá thú vị lại được tác giả đặt tên với tiêu đề là “WOW Your Friends” chắc để cho vui thôi. Mấy cái nội dung trong này chắc dùng đi khè, chém gió với bạn bè chắc mấy đứa bạn nó há hốc mồm. Nói vui thế thôi, chứ thật ra mình thêm vào cho bài tóm tắt này vì thật ra với mình nó cũng mang lại 2 thông tin khá thú vị. Thứ nhất là nguyên tắc 72 được dùng để ước lượng thời gian bạn cần để số tiền bạn đầu tư được nhân đôi, thậm chí là nhân ba hay nhân 4. Đơn giản thôi, để nhân đôi số tiền đầu tư của mình, bạn chỉ cần lấy 72 chia cho lãi suất hằng năm mà bạn có được. Với việc gấp 3 tài sản của mình, bạn sử dụng con số 114 và gấp 4 sẽ là 144. Thật ra đây là một cách để ước lượng thôi bởi lẽ lãi suất hàng năm là khác nhau và một lời khuyên sách dành cho mỗi cá nhân là tránh để tiền năm imm ở đó mà không sinh lời đồng nào, ngay cả đó là quỹ khẩn cấp của bạn (Emergency Fund)

Một khái niệm khác khá hay trong phần này là việc giải nghĩa quỹ phòng hộ (Hedge Fund). Thật ra khái niệm này mình đọc và thấy rất nhiều lần nhưng lại không chủ động tìm hiểu về nó cho tới khi đọc Napkin Finance. Thậm chí, sách còn đưa ra một vài sự khác biệt giữa chính bản thân quỹ phòng hộ và quỹ tương hỗ (Mutual Fund), mà một trong những số đó là việc Quỹ phòng hộ thường có những bước đi đầu tư lớn và mạo hiểm hơn rất nhiều so với quỹ tương hỗ. Hơn nữa, khi muốn bỏ tiền vào quỹ phòng hộ, bạn phải có được một số vốn rất lớn và khi đã vào quỹ rồi, thì những người quản lý quỹ sẽ chỉ đơn giản là thực hiện công việc của họ mà không cần phải báo cáo với bạn về những chiến lược đầu tư của họ. Điều này là một trong những điểm khác biệt khác với quỹ tương hỗ.

Kết luận

Thế thôi, đó là những phần nội dung mà mình cảm thấy rất thích khi đọc sách. Dĩ nhiên, bên cạnh đó sẽ còn những phần thông tin khác mà chính cá nhân bạn sẽ cảm thấy hữu ích. Mình khuyên bạn nên tìm đọc tác phẩm gốc để có được một bức tranh rõ hơn về nội dung của sách. Với mình, một trong những điều mình hài lòng nhất là sách rất đơn giản, dễ đọc và cách trình bày rất trực quan. Sách chứa đựng cách giải thích súc tích nhất về những khái niệm kinh tế – đầu tư – tiền bạc tưởng như khô khan. Hơn nữa, ở cuối mỗi chương, bạn sẽ có một vài câu trắc nghiệm nhằm giúp bản thân ôn lại một chút phần kiến thức được trình bày

Điểm trừ duy nhất mà mình thấy được, chắc cũng là vì nó đơn giản quá nên sẽ có nhiều thông tin chỉ dừng lại ở mức độ cơ bản nhất. Nhưng bạn biết mà, thế giới thì nó không đơn giản như vậy, nó phức tạp hơn nhiều nên muốn thì mình nghĩ chính bản thân mình hay bạn cũng cần lựa chọn những phần nội dung hấp đẫn để tìm hiểu, đào sâu thêm.

Cá nhân mình hi vọng phần tóm gọn này mang lại lợi ích cho bạn đọc và nếu tỉ dụ bạn đọc xong phần tóm gọn này, và cả sách nữa, bạn có thể comment ở bài này để có thể trao đổi thêm về nội dung sách.

La LuMiere, Tháng 12 – 2021

One thought on “Napkin Finance – Tài chính cơ bản

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s