Giáo dục là một trong những nền tảng quan trọng để hình thành sự văn minh của một xã hội. Giáo dục có thể đến từ rất nhiều cách, nhưng một điều mà không ai có thể phủ nhận là gia đình chính là hạt nhân, là cái nôi của giáo dục. Gia đình về cơ bản đã tồn tại trước khi một cá thể được hình thành, đang và sẽ luôn ở đó trong suốt hành trình cá thể ấy lớn lên, trưởng thành và chịu sự tác động của môi trường. Trên hành trình ấy, hạt nhân cốt lõi này, với cá nhân tôi, luôn đóng vai trò bồi đắp, uốn nắn nhân cách của mỗi người. Gia đình, sau tất cả , là mỏ neo để bất kì ai cũng có thể tìm về trên dòng đời yên bình có, nhưng cũng lắm bão dông.
Tuy nhiên, cuộc sống vốn không công bằng và không phải ai cũng có cơ hội có được một cái mỏ neo vững vàng. Bạn có lẽ đã nghe rất nhiều câu chuyện trên báo đài nhưng Educated sẽ là một câu chuyện khác về hoàn cảnh éo le này, và nó mở ra một góc nhìn khác về hiện thực giáo dục – gia đình và hành trình vượt khó mà tác giả phải đi qua để tìm kiếm và chiêm nghiệm được cái sự giáo dục chính xác nhất, dù đi kèm với điều đó là nỗi đau không phải ai cũng có thể thấu cảm được.

Câu chuyện có thể được chia thành ba phần, bắt đầu với bối cảnh tại Buck Peak, một vùng núi ngoại ô tại Idaho, Mỹ, trong một gia đình theo Mặc Môn (Mormonism – bạn có thể tìm hiểu tôn giáo này tại đây). Bố của tác giả (Tara) là chủ một bãi phế liệu nhưng điểm nổi bật nhất của ông đó là sự bướng bỉnh và sự cuồng tín vào tôn giáo này. Không những thế, ông bài xích chính phủ – bệnh viện và giáo dục bởi với ông, chính phủ là một lũ lừa đảo, bệnh viện chỉ là lang băm chực chờ giết người và giáo dục là sự tẩy não mà chính phủ mang lại. Điều này thể hiện rất rõ khi những đứa con của gia đình Westover không được đăng kí khai sinh, không được đi học, hay được khám chữa tại bệnh viện. Chính niềm tin cực đoan này đã nhiều lần đẩy cả gia đình ông vào những tai nạn cực kì nguy hiểm. Điểm cộng lớn nhất mà tôi thấy được ở ông là tình thương con, nhất là với Tara, dù đôi khi đi kèm là sự áp đặt mang tính tôn giáo rất lớn lên những đứa con của mình.
Mẹ Tara có thể được xem là một phiên bản nhẹ nhàng hơn của chồng khi với bản tính của một người phụ nữ thương chồng thương con, bà không quá cuồng tín với Mặc môn. Bà từng làm đủ thứ mọi thứ có thể nhưng việc trở thành một bà đỡ là lựa chọn tốt nhất về mặt kinh tế, dù nguy hiểm về tính mạng, sức khoẻ và pháp luật luôn rình rập. Đáng ngạc nhiên là sau tất cả mọi biến cố, bà vẫn luôn chấp nhận niềm tin của chồng một cách vô điều kiện để rồi suốt một hành trình dài đã dần biến bà trở thành một phiên bản khác của chồng dù có phần nhẹ nhàng hơn.
Với hoàn cảnh như thế, không khó để nhận ra rằng Tara và những người anh em của cô sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Đó không hẳn là miếng ăn, là quần áo, mà điều thiếu thốn nhất đó là việc phần lớn những đứa con Westover không được đi học. Tuy nhiên, đâu đó trong suốt hành trình lớn lên của những đứa con nhà Westover, ngọn lửa tri thức vẫn âm ỉ cháy, thúc đẩy họ thoát ra khỏi cái thực tại để được đi học. Hành trình đó không dễ dàng, nhất là với Tara khi cô phải đối mặt với những kiến thức đại số, giải tích, ngôn ngữ mà bài kiểm tra ACT mang tới. Hoang mang, tuyệt vọng, chán nản, cô muốn bỏ cuộc bởi lẽ đó có thể không phải là lựa chọn dành cho mình. Nhưng sau tất cả, với sự lì lợm có lẽ là thừa hưởng từ ông bà Westover, Tara vượt qua được bài kiểm tra này và được trường BYU nhận khi đạt đủ tiêu chuẩn với bài kiểm tra này. Đọc tới đây có lẽ chính tôi hay bạn cũng nên dành cho Tara một sự tôn trọng và khâm phục nhất định.
Bạn thử tưởng tượng, bạn được học từ lớp 1 đến lớp 12 và đôi khi luôn cảm cảm thấy áp lực, khó khăn khi trải qua bài thi tốt nghiệp hay đại học. Nói chi đây là một hành trình không được trải qua một lộ trình học bài bản, nhưng phải vượt qua được bài thi ACT mới có thể thực hiện được ước mơ. Hay, bạn thử nghĩ xem đã bao lần, bạn quyết tâm học 1 khoá học nào đó để trau dồi bản thân, nhưng 10 khoá học, thì được bao nhiêu khoá bạn thật sự hoàn thành để biến nó trở thành kiến thức của chính mình và nắm giữ chìa khoá mở cửa tương lai? Tara làm được điều đó, dù không dễ dàng gì nhất là với một hoàn cảnh phức tạp và sự cấm đoán phi lí từ bố mẹ.
Trước mặt cô giờ đây là một cách cửa mở ra một tương lai mới với rất nhiều trải nghiệm và thách thức chính cô không lường trước được.
Tương lai mới mà cô đang xây dựng cho chính mình là một chuyến hành trình với đầy thú vị và thử thách. Cá nhân tôi cảm nhận rằng việc thích nghi với môi trường học tập hoàn toàn mới với sự thiếu hụt kiến thức thường thức không phải là một điều quá khó khăn với Tara, dù đâu đó vẫn có những sự kiện khá ngượng ngùng mà cô phải đối mặt. Tara từ một cô gái “tỉnh lẻ” cùng xuất phát điểm âm, đi kèm nỗ lực phi thường đã có thể mở ra cho mình một con đường học thuật đến với Cambridge, Oxford và Havard. Sự kiên định, bướng bỉnh và lì lợm tốt nhất mà ông bà Westover dành tặng cho cô lại trở thành một công cụ hiệu quả. Tuy nhiên, với Tara, điều khó khăn tột cùng trong suốt hành trình đó là sự giằng xé giữa con đường cô đang đi và tôn giáo cũng như những quan niệm/tín điều theo cô suốt thời thơ ấu. Nói một cách khác, cô buộc phải lựa chọn: tương lai của chính mình hay gia đình. Cả hai điều trên hoàn toàn không thể đi cùng một con đường.
Thật ra, gia đình cô vẫn ở đấy, cô vẫn thường về mỏ neo thơ ấu để thăm ba mẹ và các anh khi đang học ở BYU hay Cambridge. Tuy nhiên, những biến cố xảy ra trên chuyến tàu ấy, đi kèm là sự bạo hành áp đặt của người anh (Charles), sự cuồng tín của ba mẹ cùng quan niệm của họ rằng cô đang sa ngã, đang rời khỏi con đường chính đạo khiến cô dần không còn cảm nhận được đây là nhà. Bà Westover vẫn yêu cô, nhưng đằng sau đó là những lời bàn tán với gia đình rằng rằng cô bị quỷ ám, bị tội lỗi dụ dỗ khi không quay về con đường chính đạo. Bố cô vẫn tin rằng những cáo buộc về người anh đã từng gây ra vết thương bạo lực khi cô còn nhỏ là không có căn cứ. Ông thà tin vào đứa con trai đang dần được thánh hoá với tôn giáo của ông hơn là cô con gái út mà ông từng hết mực yêu thương.
Đỉnh điểm cuối cùng của sự giằng xé này là chuyến ghé thăm Havard của ông bà Westover. Hai ngày tận hưởng chuyến đi cùng con gái tưởng như vô tận, lại kết thúc bằng lời năn nỉ, cảnh báo về việc nếu cô không thực hiện phép thanh tẩy thì có lẽ, cô sẽ không còn cơ hội để quay đầu cũng như được về nhà. Đứng ở cái thời khắc phải đưa ra lựa chọn đầy trái ngang ấy, cô bé Tara 16 tuổi thoả hiệp năm ấy đã không còn lên tiếng được nữa. Tiếng nói của cô bé với lý lẽ đây là gia đình, là người luôn bên cạnh mình đã không còn lấn át được những sự thật mà Tara suy nghĩ, cảm nhận. Tara quyết định từ chối để rồi chứng kiến ba mẹ bỏ đi nhanh chóng, không một mời từ biệt, thậm chí cả 1 cái ôm.
It had played out when, for reasons I don’t understand, I was unable to climb through the mirror and send out my sixteen-year-old self in my place…
That night, I called on here and she didn’t answer. She left me. She stayed in the mirror. The decisions I made after that moment were not the ones she would have made. They were the choices of a changed person, a new self.
Educated – Țara Westover
Tới đây hay cả khi chưa đọc qua, bạn nghĩ Educated là gì? Đó có thể là việc mỗi người được học từ lớp 1 đến lớp 12, đại học, cao học và thậm chí là cả tấm bằng tiếng sĩ. Đôi khi đó chỉ là 1 tấm bằng cao đẳng, bằng nghề. Còn với Tara, Educated là cái chuyến hành trình không phải để cô có được những học vị đó, công việc khác với gia đình. Đó là chuyến hành trình mà cô được lựa chọn cái bản ngã của chính mình, để được sống với cái tôi mà mình mong muốn. Cô tổn thương. Đúng, nhưng đó là cái giá cô chấp nhận để được thoát khỏi những ràng buộc và những niềm tin phi lý, những sự áp đặt vô căn cứ. Câu chuyện kết thúc tại đây, khi chính cô nói lên quan điểm về sự giáo dục. Nhưng có lẽ, khi gấp trang sách lại, chính bạn cũng sẽ cảm thấy những dòng cảm xúc lẫn lộn đan xen vào nhau, được khơi gợi bởi một cây bút tài năng. Nể phục, giận dữ, thương cảm.
You could call this selfhood many things. Transformation. Metamorphosis. Falsity. Betrayal
I call it an Education.
Educated – Țara Westover
Con đường Tara đi qua đáng nể không? Có. Đó là một hành trình đòi hỏi sự nỗ lực phi thường, sự kiên định và lì lợm để đạt được những thành tích mà tác giả làm được.
Điều ông bà Westover tin và hành động trong suốt chiều dài hành trình có đáng giận không? Có, sự cuồng tín, niềm tin mù quáng của họ đôi khi đẩy chính họ và gia đình vào hoàn cảnh nguy hiểm đến tính mạng hay ảnh hưởng tới tương lai của những đứa con.
Thế nhưng, liệu họ có đáng được thông cảm và nhìn nhận tích cực hơn không? Khi chính họ cũng dành tình yêu thương để gầy dựng gia đình, cũng nỗ lực làm việc dù đôi lúc đi kèm đó là những sai lầm về niềm tin mà họ không thoát ra được. Hơn nữa, bạn nghĩ thế nào nếu 3 người con của gia đình Westover đạt được những học vị tiến sĩ – điều không phải gia đình nào cũng có thể thực hiện được. Có lẽ, sự bướng bỉnh, lì lợm là điều ông bà Westover truyền lại cho các con của mình. Và đâu đó trong suốt câu chuyện, bạn sẽ thấy được việc ông thương Tara thế nào khi sắm cho con bộ đồ đẹp để đến với các buổi thử vai hay bà Westover hỗ trợ cô việc thi cử thế nào để mở ra cánh cửa tương lai tại BYU. Đâu đó, họ vẫn là những ông bố bà mẹ thương con, có chăng niềm tín thác mù quáng có lẽ đã làm ảnh hưởng tới tình thương vô bờ mà họ dành cho các con.
Và cuối cùng, với Tara, bên cạnh sử nể phục, là niềm cảm thương bởi sau cùng, việc lựa chọn rời bỏ gia đình, niềm tin đã gắn bó với mình từ thời thơ ấu, không phải là một điều dễ dàng. Đó là một sự lựa chọn đầy can đảm để được đi trên con đường mình mong muốn.
Educated là một quyển sách bạn nên đọc, bạn sẽ không thể bỏ nó xuống đâu vì câu chuyện quá cuốn hút, đồng thời Tara là một tác giả tuyệt vời, và bạn sẽ nhận ra rằng, cô từ việc không có một nền kiến thức viết đủ ổn, để trở thành một tác giả tài năng, cách viết gãy gọn và đi kèm đó là những dòng cảm xúc đầy nhân văn. Không đơn giản đâu!!!!
Tháng 5/2021, La LuMiere
One thought on “Educated – Hành trình đi tìm chính mình”