Bạn nghĩ sao về quan điểm mạng xã hội như kí sinh trùng? Và nó cần hút “máu” thời gian của bạn để tồn tại

Facebook được chính thức thành lập vào năm 2004 và dần trở thành một trong những mạng xã hội phổ biến từ năm 2008 với 100 triệu thành viên hoạt động tích cực mỗi tháng, sau đó cột một 1/7 dân số thế giới chính thức được chinh phục vào năm 2012 . Twitter cũng được hình thành vào năm 2006 để dần trở thành một nơi để mỗi thành viên nhanh chóng chia sẻ suy nghĩ của mình thông qua các tweet ngắn gọn. Ngoài hai mạng xã hội này, bạn có thể kể tên thêm những mạng xã hội nào khác? Instagram, TikTok, WeChat, Zalo, v.v. Mạng xã hội đang dần trở thành một phần của cuộc sống mỗi người, là một thói quen mà bất kì ai cũng dần thích nghi. Thế nhưng, đã bao giờ mỗi người dừng lại để nhìn nhận kĩ hơn một chút về vai trò thật sự của những mạng xã hội nổi tiếng trên?
Bạn có thể không đồng ý với tôi về điểm này, nhưng cá nhân tôi cho rằng mạng xã hội có tính gây nghiện rất cao. Ban đầu, nó được thiết kế chỉ đơn thuần là một nơi chia sẻ thông tin, cuộc sống hằng ngày nhưng dần dần cách vận hành đánh vào tâm lý giống như các trò bài bạc sẽ khiến bạn dần trở nên phụ thuộc vào nó thông qua những phần thưởng vô thức mà bạn không nhận ra được. Giờ thực hiện một thử thách nhỏ nhé, bạn thử cho mình một tuần không sử dụng mạng xã hội, xoá sạch các ứng dụng đó ra khỏi điện thoại của mình, liệu bạn có qua được tuần đó. Tôi tin là có, mà thậm chí là bạn sẽ nhận ra rằng bạn sẽ có cho mình nhiều thời gian hơn rất rất rất nhiều để làm những việc khác, thay vì chỉ ngồi đó kéo và lướt màn hình.
Điều này có nghĩa gì? Tôi không kêu bạn từ bỏ mạng xã hội, cá nhân tôi chỉ nghĩ rằng mỗi người nên tự kiểm soát để ngừng cho phép các ứng dụng đó quyền kiểm soát bạn, làm ảnh hưởng tới bạn.
Về cơ bản, bạn không thật sự cần mạng xã hội. Nó cần bạn. Thông qua những tút mà bạn bè chia sẻ, những drama không hồi kết, những video hài nhạt, những hình ảnh, memes, mạng xã hội mang lại cho bạn một cảm giác thoải mái về mặt tinh thần, mang lại cho bạn cảm giác được quan tâm và quan tâm người khác thông qua những cú like, những cú click. Và rồi dần dần, nó trở thành một dạng kí sinh vào cuộc sống của bạn khi nó mang lại cho bạn cảm giác “được kết nối”
Twitter, Facebook, Instagram và những mạng xã hội nêu lên ở đầu bài cơ bản không phải là những website với mục đích xấu. Nhưng trong quá trình phát triển, những mạng xã hội này dần trở nên “ích kỉ” khi cái nó quan tâm là dữ liệu của bạn nhằm phục vụ mục đích của nó. Bạn dần trở thành nạn nhân của những mạng xã hội này mà không nhận ra. Bằng cách nào? Facebook, Instagram đầu tiên là nơi để bạn chia sẻ những hình ảnh đẹp về cuộc sống của mình, về những thành công, thành tích mà bạn đạt được. Nó cho bạn cảm giác được công nhận không chỉ từ người thân, gia đình, mà từ cả bạn bè. Like, Love cùng những bình luận tích cực như liều dopamine giúp bạn vui vẻ, giúp bạn tự tin khi thấy công việc của mình như được khuếch đại với tầm ảnh hưởng rộng khắp vũ trụ. Oh wao!!!!
Quào, nghe tới đây mình mới thấy mạng xã hội cũng tích cực nhỉ? Bạn có chắc không? Facebook với thuật toán của nó hiển thị cho bạn Fake News về thế giới, khiến bạn có cái nhìn lệch lạc về thế giới này. Bạn nhìn vào cuộc sống lung linh của bạn bè: con cái, sự nghiệp, du lịch vòng quanh thế giới, bạn có đảm bảo không có lúc nào bạn cảm thấy tiêu cực, tự so sánh mình với họ? Rồi còn thời gian – cái nguồn tiền lớn nhất và vô giá nhất của bạn nữa? Mạng xã hội giúp bạn thấy mình có giá trị, rồi lại bơm vào cuộc sống bạn những cảm giác tiêu cực, rồi lại giúp bạn tích cực khi nhận được like, love. Nghe như sòng bài ấy nhỉ: mớm cho bạn thắng một chút rồi lại thua sấp mặt rồi lại mớm mớm một chút cho đến khi bạn nghiện quá mà không bỏ được. Và bạn biết mà, nhà cái luôn thắng, hay mạng xã hội – con kí sinh ấy – sẽ luôn kiểm soát bạn. Hơn nữa, trí tuệ nhân tạo mà mạng xã hội sử dụng sẽ chỉ mang lại cho bạn những tin tức, video, hình ảnh, quảng cáo khiến bạn đã nghiện sẽ lại càng khó ngại ngùng với nó. Nó kiếm tiền từ những điều đó ấy.
Bạn thử cân nhắc xoá app chưa?
Bạn có thể phản đối rằng mạng xã hội cũng có mặt tích cực của nó: tin tức cập nhật, bán hàng online, đa dạng, v.v. và nhiều người biết tận dụng cũng trở nên rất thành công trên đó. Thật ra tuỳ bạn, nhưng dần dà cá nhân tôi thấy mạng xã hội thật sự tốn thời gian. Tôi cũng có thể cười, vui, hóng like, cập nhật tin tức nhưng dần dà tôi chỉ thấy cảm xúc của mình bị bào mòn bởi lượng thời gian dành cho Facebook, Twitter, Instagram. Hơn nữa, thời gian đầu tư vào nó không mang lại giá trị gì lớn lao cả. Vô ích lắm
Chưa kể, bạn mà đang làm ba làm mẹ mà dành thời gian nhìn vào màn hình điện thoại nhiều hơn dành thời gian cho con, bạn sẽ nhận ra tuổi thơ của bé trôi qua nhanh lắm mà bạn không biết nắm giữ lấy nó. Chính suy nghĩ này, cộng với công việc khá sấp mặt của dự án khiến tôi dần bớt thời gian cho Facebook, Twitter và thậm chí là Instagram, nơi tôi lâu lâu hay chia sẻ vài tấm ảnh, vài tút deep deep hay story về những chuyến đi của mình.
Trên mạng đã có rất nhiều người đã chấp nhận thử thách xoá những ứng dụng mạng xã hội. Họ cũng sợ là không biết cuộc sống của họ sẽ thế nào. Điều ngạc nhiên là sau một thời gian kha khá, tầm 2 tháng đâu đó, họ thấy cuộc sống họ tốt hơn. Dĩ nhiên, họ không xoá tài khoản hay xoá app, vẫn lâu lâu đâu đó viết vài Twit, đăng xờ to rì, cập nhận tin tức trên Facebook để duy trì sự kết nối, nhưng việc xoá app một khoảng thời gian đã giúp họ tách ra khỏi được sự lệ thuộc vào mạng xã hội.
Một chia sẻ này khá thú vị, bạn có thể cân nhắc đó như một bài học: Tôi đọc sách nhiều hơn, nghe nhạc nhiều hơn và dành thời gian của mình cho những đứa trẻ nhiều hơn. Điều này, đôi lú tuy mệt vì tụi nó quậy thật, nhưng tôi lại cảm thấy cuộc sống mình hạnh phúc hơn khi không còn bị trói buộc vào ma trận mạng xã hội và công nghệ. Chỉ đơn giản: tắt điện thoại, với tôi mọi thứ sau đó là hạnh phúc. À mà thật là sẽ có lúc tôi thấy chán vì những khoảng trống trong thời gian của mình, nhưng tôi lại nhận ra đó là điều cần có để bản thân mình được trôi đi, thay vì dán mắt vào màn hình điện thoại và lại tự mang lại cho mình những cảm xúc tiêu cực không cần thiết.
Bạn thấy thế nào? Mạng xã hội có ích ở một vài mặt nào đó, nhưng cái tác hại nó mang lại là không lường được, nhất là trong hoàn cảnh công việc, gia đình và con nhỏ. Lựa chọn là ở bạn, nhưng việc tự kiểm soát mình có chừng mực với nó là việc tôi nghĩ bạn nên nghiêm túc cân nhắc, bởi lẽ đằng sau cánh cửa kiểm soát mạng xã hội ấy sẽ là một khoảng trời hạnh phúc mà bạn sẽ rất vui khi khám phá ra nó.
Hạnh phúc không ở đâu xa đâu, bạn nghĩ thử đi, biết đâu biết cách đóng cửa, hạnh phúc nó lại đến với bạn.
Nguồn: Business Insider