Tâm lý học về tiền – Phần 1

Bạn nghĩ gì về tiền? Về cái cốt lõi thật sự đằng sau yếu tố quan trọng chi phối cuộc sống mỗi cá nhân? Nó có thể đơn giản chỉ là những con số. Nó cũng có thể là kinh tế, chính sách vĩ mô/vi mô ảnh hưởng tới lãi suất tiền tệ, v.v. Thật ra nói về những yếu tố đó nó xa vời quá, tiền vốn dĩ là một yếu tố có thể coi là không thể thiếu trong cuộc sống của bạn. Có tiền, bạn mới có một phương tiện để trao đổi thức ăn, đồ uống, tìm kiếm chỗ ở và có lẽ chính việc cơ bản gắn liền với các nhu cầu sống của con người mà tiền còn 1 yếu tố khác đi kèm nó: Tâm lý. Có một câu trích dẫn rất hay thế này:

Để hiểu được tại sao mọi người lại chôn mình trong một đống nợ, bạn không cần phải học về lãi suất, bạn cần phải học về quá khứ tham lam, sự bất an và chủ nghĩa lạc quan. Để hiểu được tại sao những nhà đầu tư lại bán ra khi ở cuối thị trường gấu bạn không cần học về thuật toán về những lợi nhuận thu được trong tương lai, bạn cần phải suy nghĩ về nỗi đau khi nhìn vào gia đình bạn và tự hỏi liệu những khoản đầu tư của bạn có đang gây nguy hiểm cho tương lai của họ không.

Tâm lý học về tiền

Tôi nghĩ 1 câu trích dẫn đơn giản thế này thôi có thể đủ tóm gọn cái yếu tố tâm lý chi phối cách mỗi chúng ta hành xử về tiền bạc đến thế nào. Bạn có thể có một kế hoạch tài chính, nhưng trong những hoàn cảnh bất ngờ xảy đến, bạn có thể hành xử một cách hoàn toàn khác biệt so với cái kế hoạch đó đề ra, và bạn không hiểu tại sao hay không dự phòng được. Vậy có nên chăng, việc hiểu được phần nào đó những yếu tố tâm lý tác động đến tiền bạc sẽ giúp bạn nhận ra chính bản thân mình, không phải để dẹp bỏ nó qua một bên, khó lắm, mà để rút cho mình những suy ngẫm và hành động phù hợp nhất có thể. Đó là lý do tại sao tôi muốn chia sẻ về quyển sách “Tâm lý học về Tiền này”

Nói chia sẻ cho sang mồm, tôi chỉ đơn giản rút ra những bài học đắt giá của mỗi chương, một cách súc tích, cô đọng nhất để bạn hiểu về những yếu tố có thể chi phối/tác động đến cách bạn hành xử với tiền, hoặc chăng là cái cảm xúc mà tiền mang lại cho bạn. Đơn giản thế thôi. Còn bây giờ, tôi mời bạn đọc qua những yếu tố tâm lý được đề cập tới.

Tôn trọng góc nhìn và cách sử dụng tiền bạc của người khác.

Đầu tiên, bạn có cuộc sống của bạn, trải nghiệm của bạn và cách bạn tiêu tiền nó cũng sẽ khác hoàn toàn vợ bạn, anh chị em bạn. Thế nên, bạn không thể dùng lăng kính của mình để hiểu cách người khác tiêu tiền, và cũng không thể kì vọng rằng mỗi người dựa vào con số, biểu đồ để cư xử về tiền. Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra.

Khiêm nhường khi mọi thứ diễn ra suôn sẻ và tha thứ/lòng vị tha khi chúng diễn ra theo chiều hướng xấu

May mắn và rủi ro là hai yếu tố song hành với nhau. Một câu chuyện thành công hoàn toàn có thể có sự can thiệp của của yếu tố may mắn trong khi những thất bại, đôi khi nhan nhản bị vùi dập trên mặt báo lại có thể là quá trình của sự nỗ lực hết sức mình nhưng rồi bị yếu tố rủi ro tác động. Lấy một ví dụ rất đơn giản thôi: Facebook từng từ chối lời đề nghị bán mình với 1 triệu đô la, Yahoo cũng thế, ấy mà Facebook lại được ca ngợi vì điều này, trong khi Yahoo thì bị dập tơi tả. Hay như Bill Gates, ông là một thiên tài trăm năm có một nhưng hoàn cảnh xảy ra của ông tồn tại với xác suất là 1 trên một triệu: gia đình, trường học, số lượng máy tính ít ỏi. Và người bạn của ông, người được Bill Gates đánh giá tài năng thậm chí hơn cả ông, lại không may ra đi trong một tai nạn leo núi, vốn được đánh giá với xác suất xảy ra là 1 trên 1 triệu. Bill Gates gặp may mắn, bạn ông thì bị rủi ro can thiệp vào cuộc đời.

Facebook and Yahoo Discussing Search Partnership - Dot Com Infoway
Facebook và Yahoo cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Người lên voi – Kẻ xuống chó.

Cũng giống như người ta hay nói, bạn thành công thì nói gì cũng đúng. Điều này không phải để bạn đánh giá thấp sự cố gắng của chính mình hay người khác khi họ đạt kết quả tốt, cũng như khinh thường thất bại. Nó là cách để bạn học được sự khiêm nhường cũng như sự vị tha khi nhìn nhận thất bại. Điều này, theo tác giả là khá quan trọng trong thị trường tài chính bởi bạn cần phải học được cách đối phó với thất bại để sắp xếp cuộc sống tài chính của bạn theo cách mà một khoản đầu tư sai lầm ở chỗ này và một mục tiêu tài chính bị bỏ lỡ ở chỗ khác cũng không làm bạn trắng tay được và vì thế bạn có thể tiếp tục chơi cho đến khi vận may mỉm cười với bạn.

Biết đủ để bớt cái tôi đi và không đánh đổi điều bạn có chỉ để thêm vài phần trăm lợi nhuận.

Bản chất con người là tham lam, có lẽ sự di truyền từ xã hội nguyên thuỷ đã khiến chúng ta luôn muốn sở hữu nhiều thứ hơn nữa: đồ ăn, thức uống, của cải, tiền bạc để luôn cảm thấy an toàn. Biết đủ có lẽ là một điều mà ngay cả người giàu cũng không thể làm chủ, bằng chứng là có rất nhiều trường hợp dù đã có rất rất nhiều của cải, vẫn đánh đổi những gia tài đó để làm cho tài sản của họ có sự gia tăng, dù chỉ một vài phần trăm nhỏ. Thật ra, việc muốn gia tăng của cải là điều dễ hiểu. Thế nhưng việc tham vọng quá mức, thói quen so sánh là vấn đề nghiêm trọng cần phải được kiểm soát bởi mức trần của sự so sánh trong xã hội là quá cao mà không kì vọng hay tham vọng nào có thể đạt tới được. Và tôi hay bạn cũng có thể tự hỏi chính mình rằng liệu những điều đó: tham vọng, so sánh có mang lại cho sự thoả mãi hay hạnh phúc.

Đôi khi biết đủ để tận hưởng sẽ mang lại giá trị lớn hơn rất nhiều so với vài phần trăm lợi nhuận gia tăng.

Cuối cùng, liệu có đáng để đánh đổi, dù tiềm năng thế nào đi nữa, những thứ như danh dự, tự do, gia đình, sự hạnh phúc, để có được thêm một chút lợi nhuận? Cuộc sống còn gì vui vẻ nữa nếu mỗi người không biết thế nào là đủ với bản thân mình.

Hãy gia tăng chân trời thời gian của bạn để sự tích luỹ được phát huy tác dụng

Investment Time Horizon: What It Is, Why It's Important | Bankrate
Bạn cần biết được chân trời thời gian của mình để cho sự tích luỹ phát huy tác dụng.

Bạn có bao giờ nghe về khái niệm hòn tuyết lăn? Từ một hòn tuyết nhỏ, lăn đủ dài và đủ lâu, dần dàn tạo thành một hòn tuyết khổng lồ với tốc độ lớn ngày một tăng. Sự thật là bạn không cần một thế lực lớn để tạo ra kết quả lớn, cái bạn cần là thời gian để sự tích tụ phát huy tác dụng. Warren Buffet, tới thời điểm này đã đầu tư hơn 3/4 thế kỉ rồi và bạn biết không, toàn bộ thành công tài chính cảu ông là nhờ nền tảng xây dựng từ những năm tuổi trẻ và sự bền bỉ lúc tuổi già. Đầu tư là kĩ năng của ông, còn bí mật của ông là thời gian. Chính vì thế, với việc đầu tư, mục tiêu tối thượng là kiếm được sự tích luỹ, lợi nhuận mà bạn có thể duy trì trong một khoảng thời gian dài nhất có thể. Và tôi nghĩ, bài học này hoàn toàn có thể được áp dụng không chỉ cuộc sống tài chính không đâu, mà còn trong rất nhiều khía cạnh khác của cuộc sống: gia đình, tình cảm, công việc.

Bạn cần phải sinh tồn để duy trì sự giàu có của chính mình

Hãy cứ giả định là làm giàu không khó. Thật ra, tôi nghĩ nó không dễ, thế nên đâu phải ai cũng giàu hay có nhiều của cải. Rồi giả dụ bạn hay tôi giàu, rồi sao nữa? Chắc có lẽ lại muốn giàu thêm nữa, và cũng hợp lý là mỗi người sẽ tự tìm thêm những cơ hội đầu tư khác để đạt được mục tiêu này. Ý niệm ở đây là, làm giàu có thể không khó, nhưng duy trì sự giàu có chắc chắn là khó bởi nó yêu cầu bạn phải khiêm nhường để hiểu những điều mình có bao hàm một phần tác động của sự may mắn. Hơn nữa, để duy trì sự giàu có, bạn cần phải có khả năng sinh tồn trong một khoản thời gian dài, đủ dài để sự tích luỹ phát huy tác dụng, cũng như vượt qua được biến động của thị trường. Bạn nghĩ xem, ai cũng học về cách Warren Buffett đã làm nhưng đã bao giờ có 1 quyển sách nào nói về những điều ông đã không làm để sinh tồn hay chăng: ông không bị cuốn bởi nợ – không hoảng sợ mà bán khống – bảo vệ danh tiếng kinh doanh của mình để tồn tại, để tận dụng thời gian mà miệt mài đầu tư. Ngoài ra, một cách khác để sinh tồn là việc lên kế hoạch của bạn phải đảm bảo rằng kế hoạch đó sinh tồn được trong thế giới thực, nói khác đi là dù kế hoạch của bạn là đạt lợi nhuận 8%/năm nhưng nếu chỉ là 4% thì bạn vẫn ổn. Khi đó, bạn an tâm được rồi. Và quan trọng là, bạn nên duy trì một tính cách linh hoạt – lạc quan về tương lai, nhưng lo sợ trước những điều sẽ ngăn cản bạn tiếp cận được tương lai.

Cảm thấy ổn khi quá nhiều thứ trở nên tồi tệ. Bạn có thể sai lầm phân nửa thời gian mà vẫn kiếm được cả gia tài

Bạn có biết về nguyên lý 80/20? Nghĩa là với một tập hành động của bạn, đâu đó tầm 20% của chúng mang lại 80% kết quả. Trong giới tài chính cũng vậy, có rất rất nhiều sự kiện nhỏ có thể chịu trách nhiệm cho phần lớn kết quả. Điều này có nghĩa gì? Một kế hoạch được thực hiện sẽ điểm xuyết theo nó là những giây phút khủng hoảng và sự thành công của một nhà đầu tư chỉ được định đoạt bởi cách họ phản ứng với những phút giây điên rồ đó, chứ không phải hàng năm dài kiểm soát cuộc hành trình. Nói một cách tường minh hơn là những việc bạn làm trong một vài ngày ít ỏi khi cả thế giới trở nên điên rồ, có thể quyết định mọi thứ. Với cách nhìn nhận này, trong suốt một hành trình dài, sự sai lệch, đổ vỡ, thất bại là điều bình thường và nó sẽ tồn tại những sự kiện đủ sức gánh gác những phút giây đó. Bạn nghĩ xem, liệu đã bao giờ có một tài liệu nào nói rõ về những lựa chọn sai lầm, những vụ thâu tóm thất bại của Warren Buffett? Tôi nghĩ ông thất bại rất nhiều, nhưng một vài sự kiện thắng lớn của ông vẫn đủ sức để lắp đầy những lựa chọn sai lầm để mang lại cho ông sự thành công như hiện nay.

Sử dụng tiền để có được sự kiểm soát thời gian

Tiền bạc sẽ mang lại điều gì cho bạn? Hạnh phúc? Nó tuỳ thuộc vào cách bạn định nghĩa hạnh phúc và hoàn toàn dễ hiểu nếu đó là của cải vật chất. Thế thứ gì giá trị nhất mà tiền có thể mang lại cho bạn? Đó là thời gian. Khả năng kiểm soát thời gian là thứ cổ tức cao nhất, tuyệt vời nhất mà tiền bạc mang lại. Nếu một ngày bạn thức dậy, bạn không còn phải đối mặt với cái cảm xúc: phải chạy ra ngoài đường khói bụi để đi làm, để đối diện với những công việc mình không thích, khách hàng mình không thoải mái. Thay vào đó, bạn có được cái quyền làm điều bạn muốn, khi bạn muốn, với người bạn muốn, trong khoảng thời gian bạn muốn, bạn thấy thế nào. Tôi đặt mục tiêu đó cho chính mình và ở thời điểm này, tôi tin đó là món tài sản vô giá tiền bạc mang lại cho chính mình. Khi đó, bạn được phép kiểm soát cuộc sống của chính mình theo một cách tích cực nhất và liệu điều này có giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn hay không?

Quyền được sử dụng thời gian là cổ tức vô giá nhất mà tiền bạc – đầu tư mang lại cho bạn.

Một điểm khai sáng mà tôi nhận ra là sự bùng nổ của công nghệ giúp ích cho cuộc sống bạn nhiều hơn, nhưng lại đặt bạn vô một hoàn cảnh khá phức tạp khi bạn rời khỏi văn phòng nhưng đầu óc vẫn nghĩ về công việc, vẫn nhận được tin nhắn – email. Điều này khiến chúng ta có cảm tưởng như một ngày làm việc kéo dài bất tận, thay vì đó là khoảng thời gian 8 tiếng bình thường. Lương bạn có thể tăng lên, nhưng thời gian thì không và liệu ta có thật sự hạnh phúc với điều này? Câu trả lời tôi để bạn nghĩ, nhưng rất nhiều thống kê đã chỉ ra rằng hạnh phúc không phải là có thêm vài đồng, làm thêm vài tiếng, mà là được làm điều mình thích, với bạn bè, gia đình trong khoảng thời gian vô giá của cuộc đời mình.

Bớt cái tôi đi, tăng thêm của cải

Bạn cảm thấy thế nào khi nhìn một người đàn ông lái con xe Lamborghini giá đâu đó tầm 10000 USD? Thật ra điều đầu tiên khiến bạn choáng ngợp không hẳn là người ngồi trên xe, mà là chính chiếc xe Lamborghini đó. Có một nghịch lý thế này:

Mọi người thường muốn sở hữu tài sản để gửi đi thông điệp tới người khác rằng họ nên được yêu mến và ngưỡng mộ. Nhưng trong thực tế người ta thường bỏ qua việc ngưỡng mộ bạn, không phải vì họ không nghĩ sự giàu có đáng ngưỡng mộ, mà vì họ sử dụng sự giàu có của bạn là thước đo cho khát khao được yêu mến và ngưỡng mộ của chính họ

Thế nên, nếu bạn nghĩ một chiếc túi 3000 đô có thể làm tăng giá trị của mình trong mắt người khác thì có thể bạn cần nghĩ lại. Bởi lẽ, điều thật sự khiến người khác ngưỡng mộ và tôn trọng là sự khiêm nhường, lòng tốt, sự chân thật giữa người với người. Tiền và những thứ tiền có thể mua được sẽ không và không bao giờ là yếu tố khiến bạn trở nên đáng ngưỡng mộ trong mắt người khác đâu. 

Ngoài ra, khi nhìn vào chiếc xe Lamborghini ấy, bạn chỉ có thể hiểu rằng tài sản của họ có ít đi 10000 đô trước khi họ mua xe, hoặc khoản nợ của họ tăng lên 10000 đô chứ không biết được thật sự tài sản của họ thế nào. Bản chất của tài sản là những thứ chưa được chuyển đổi thành những món đồ lãng phí được quảng cáo. Và cách để trở nên giàu có là tiêu số tiền bạn có và không tiêu số tiền bạn không có. Nhưng hơn thế nữa, nếu bạn không tiêu số tiền mình có, tức là phần thu nhập không bị tiêu dùng, bạn đang trên hành trình tích luỹ của cải cho sự tự do say này. Thế giới đầy rẫy những người có vẻ ngoài khiêm tốn nhưng thật sự sở hữu nhiều của cải, và những người trông giàu có nhưng lại đang sống ở bờ vực vỡ nợ.

Thật ra tôi nghĩ tới đây, bạn có thể dừng lại và suy ngẫm một chút về những yếu tố tâm lý đầu tiên của chuyện tiền bạc: từ nhân sinh quan – giá trị – sự tiết kiệm – thời gian để nhận ra được rằng tiền quan trọng và nó tác động tới quá nhiều yếu tố trong cuộc sống của chúng ta. Phần tiếp theo của bài viết này sẽ được chia sẻ tiếp chủ yếu liên quan tới tâm lý đầu tư, tích luỹ cùng thị trường đầy biến động. Mời các bạn cùng theo dõi nhé.

La LuMiere, Tháng 12, 2021

3 thoughts on “Tâm lý học về tiền – Phần 1

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s