Garmin Asia Virtual Run cùng Forerunner 45

Mình bắt đầu tập chạy bộ vào 2017, mục tiêu giai đoạn đó là quyết tâm thực hiện một điều mình đã muốn từ lâu mà cứ lần lữa mãi: giảm cân. Và cũng để có động lực chạy, mình quyết định mua 1 con Garmin Vivosmart HR+ để theo dõi thông số – thời gian chạy để duy trì động lực và con Garmin này đã đi cùng mình trong suốt hành trình giảm cân ấy ở Lille – Pháp, và sau đó ở Sài Gòn. Thật ra con Vivosmart HR+ này đáp ứng được nhu cầu của bản thân mình, nhưng một điểm yếu lớn nhất của nó là khả năng bắt GPS. Có những buổi ở gần công viên Lê Thị Riêng, trời quang mây tạnh mà mãi nó không bắt được GPS. Nản quá, mình quyết định chuyển qua Apple Watch 4 và duy trì việc chạy bộ hằng ngày cho tới nay để đảm bảo sức khoẻ cũn như cân nặng.

Giai đoạn gần đây thì con Apple Watch 4 có vẻ cũng tới lúc cần thay thế khi pin yếu dần. Mình cũng tìm hiểu những dòng sản phẩm khác thì rốt cuộc cũng chốt hoặc Garmin hoặc Coros như một sự thay thế, trong khi vẫn giữ con AW4 này để đeo cho vui. Nói về Garmin hay Coros, thật ra mình đắn đo vì Garmin mình đã dùng rồi và trải nghiệm GPS của nó khiến mình lo lắng. Còn Coros là một hãng mới nhưng đọc các feedback và review trên mạng thì thấy UX/UI rất ổn, vòng đời dài cũng như bắt GPS rất nhanh. Được cái là bảo hành 2 năm và liên tục cập nhật các tính năng mới nên mình cảm thấy khá ấn tượng. 

Đang phân vân thì may mắn sao Garmin lại tổ chức Garmin Asia Virtual Run Challenge và Garmin Run Club (GRC) có cho các bạn nào muốn tham gia mà không có thiết bị mượn để đăng kí Challenge này. Mình chơi luôn, với hai mục đích cơ bản thôi:

  • Tham gia Virtual Run của Garmin để coi khả năng chạy của mình tới dâu
  • Và quan trọng là trải nghiệm lại sản phẩm của Garmin để quyết định coi mình có muốn quay lại hay không
Forerunner 45 mình mượn để tham gia Garmin Asia Virtual Run

Mà nhân tiện, Garmin Run Club có Facebook Group ấy, bạn nào hứng thú chạy bộ có thể tham gia, GRM cũng tổ chức hoạt động chạy – training mỗi tối T3 – T5 và sáng T7 tại Cầu Đỏ Sala, các bạn có thể tham khảo

Garmin Asia Virtual Run

Challenge này của Garmin gồm 3 vòng, bạn có thể tìm hiểu tại đây nếu hứng thú. Thật ra vòng 1 bao gồm 3 challenge:

  • Fat Burning Race: burn tổng cộng tối thiểu 500kcal cho các hoạt động chạy bộ
  • 5km Challenge: hoàn thành chặng đường chạy 5km mỗi lượt
  • Distance Race: cố gắng hoàn thành quãng đường dài nhất trong một lần chạy

Vòng 1 này đã diễn ra được tầm 2 tuần với hai nội dung đầu. Tuần sau sẽ là Challenge Distance Race cuối cùng để lọc kết quả và lựa chọn những người đi tiếp vào vòng 2. Thật ra mình nhắm cái 5km Challenge và Distance Race, có điều khi run 5km rồi mới thấy nhiều anh chị đồng run chạy bá đạo quá khi họ đạt được mức pace tầm 3’ hơn/km, có khi còn thấp hơn. Nhưng thôi, race vì niềm vui nên challenge được hay không thì cũng là một trải nghiệm vui muốn chia sẻ lại với anh em

Lần chạy 5km tốt nhất của mình là pace 5’04”/km, trong khi hiện tại top đầu là 3’15″/km.

Nội dung chạy cuối của vòng 1 vẫn còn đăng kí được, anh em cứ thử biết đâu may mắn được vào vòng 2 rồi sau đó là tham gia giải chạy Garmin Run châu Á.

Trải nghiệm cùng Forerunner 45 và Garmin Connect

Thật ra đây mới là mục tiêu chính mà mình hướng tới và cũng cảm ơn GRC đã nhiệt tình hỗ trợ. Như có đề cập, con Garmin mình mượn được là Forerunner 45, mọi người hay nói là phù hợp cho người mới bắt đầu và nếu cân nhắc, mình cũng sẽ nghĩ tới dòng Forerunner chứ không nhắm tới các dòng cao cấp quá như Fenix hay Epix. Về con Forerunner 45 này thì mình thấy nó khá nhỏ so với cổ tay mình. Mình sẽ không chia sẻ quá nhiều về thông số tính năng vì thật ra nó cũng ra đời từ 2019, không phải là một con đồng hồ mới để anh em cảm thấy hứng thú đọc thông số

Forerunner 45 có vẻ hơi nhỏ so với cổ tay mình.

Cái mình quan tâm là trải nghiệm mà Forerunner 45 và Garmin hiện tại mang lại trong lần sử dụng lại này. Điều đầu tiên là GPS, GPS của Forerunner bắt tạm được, nhưng mình không quá hài lòng. Tại khu mình ở thì Apple Watch có thể bắt sóng ngay lập tức còn với Garmin mình phải đi một đoạn ngắn sóng GPS mới sẵn sàng để mình bắt đầu đoạn chạy.

App Garmin Connect thể hiện nhiều thông tin liên quan đến sức khoẻ, trong đó có Body Battery và Stress

Nói về thông số chạy, Garmin cùng với App Connect mang lại cho bạn những thông tin rất chi tiết về cơ thể, sức khoẻ, mức độ căng thẳng, giấc ngủ cũng như performance của bạn trong mỗi lần chạy. Điều này thì Garmin làm tốt hơn Apple khi các thông số rất chi tiết (pace – speed – heart rate) trong khi ở Apple thì thông tin chung và không quá chi tiết. Một điểm nữa là việc đo đạc giữa Apple Watch 4 và Forerunner 45 không quá khác biệt, Garmin đo pace chạy của mình nhanh hơn một chút so với Apple hoặc nhịp tim khi so sánh cùng nhau thì chỉ khác biệt đôi chút.

So sánh thông số đo giữa Forerunner 45 và AW4 trong lần chạy gần nhất của mình.
So sánh nhịp tim giữa tay trái (Forerunner 45) và tay phải (AW4)

Một điểm cải thiện khác của Garmin đó là con Forerunner này không còn đếm bước chân khi mình chạy xe nữa. Điều này mình không chắc là do thuật toán hay do phần cứng nhưng đâu đó trên các group của Garmin vẫn nghe một vài người dùng phản ánh về vấn đề này.

Tiếp theo, một điều mà mình cảm thấy ưng là App Connect của Garmin có đi kèm các training plan và hiện tại mình đang thử theo giáo án chạy Half Marathon (21km) và thấy rất thích các bài tập cũng như lịch trình mà giáo án mang lại. Hồi xưa mới tập thì có lúc còn cố 12km một lần, còn bữa chạy được 10km thôi cũng đã thấy vui quá trời đất rồi. Training plan là một cách mình nghĩ giúp cá nhân mình hay mỗi người duy trì động lực dể đạt được một mục tiêu nào đó. Con Garmin này mình cũng sớm phải trả lại thôi, nên khả năng mình khó tiếp tục cái giáo án này. Thế nhưng đây là một điểm cộng mà mình đánh giá tích cực cũng như là một trong những điều đầu tiên mình sẽ nói về Garmin cho mấy đứa bạn

Đây là Training Plan mình đang thử, mà chắc khó hoàn thành được vì sắp phải trả lại thiết bị rồi.

Mình cũng thử qua Apps Connect IQ để đổi mặt đồng hồ và thú thật là mình không hứng thú lắm, nói thật là không thích luôn vì thấy các mặt đồng hồ nó cứ rối rắm, phức tạp. Một trong những điều mà người ta hay so sánh Garmin và Coros là hệ sinh thái Apps của Garmin đa dạng hơn, thế nhưng cá nhân mình thấy thì nó không mang lại trải nghiệm quá xuất sắc để được gọi là cái buộc phải có khi lựa chọn Garmin với bất kì sportwatch/smartwatch nào khác

Cuối cùng, một điểm trừ rất lớn của Forerunner 45 là nó không cho phép mình thay đổi chiều sử dụng khi mình đổi từ tay trái sang phải. Apple làm rất tốt việc này, và Coros chắc cũng học Apple nên đọc review thấy có điểm này

Về thời lượng pin thì không biết một con Forerunner 45 mới sẽ trụ được bao lâu, nhưng con Forerunner này thì trụ được khooảng 3 ngày là còn 20% từ lúc sạc đầy, mình đeo bất chế độ đo nhịp tim – GPS bình thường và mỗi ngày đều chạy tối thiểu 5km.

Kết

Bài viết mình chia sẻ, cốt đơn giản cũng chỉ muốn nói về trải nghiệm tham gia Asia Virtual Challenge của Garmin đồng thời nói về cảm nhận của mình với Forerunner 45. Sau tầm 2 tuần sử dụng lại Garmin, dù thấy ổn và dần quen, mình cũng không chắc chắn sẽ mua một con Garmin Forerunner đời cao hơn vì thấy thiết kế na ná nhau, trải nghiệm Apps cũng đã thử nên không thấy quá hứng thú để tiếp tục, dù công tâm thì đây là trải nghiệm tốt. Thôi thì tranh thủ chạy nốt tuần còn lại trước khi gửi lại GRC thiết bị này. Còn về thiết bị tiếp theo sử dụng cùng Apple Watch, có thể đó sẽ là Coros khi đọc qua các phản hồi thì GPS bắt tốt hơn, UX/UI tốt hơn, và Coros cũng dần cải thiện các tính năng như giáo án chạy bộ, luyện tập. 

Anh em nào có sử dụng qua Coros, có thể comment chia sẻ cảm nhận và những vấn đề mà Coros gặp phải. Mình chân thành cảm ơn. 

Nhật Minh Ngô

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s