Bỏ Google, Facebook, Amazon, Apple – Liệu có khả thi?

Thí nghiệm nhỏ về việc ngưng sử dụng cách dịch vụ của Facebook, Google, Amazon và Apple

Why US Congress Will Grill Amazon, Apple, Facebook & Google's CEOs
4 Ông lớn công nghệ phải giải trình trước Hạ Viện Mỹ về việc chống độc quyền

Vào cuối tháng 7, CEO của 4 gã khổng lồ của ngành công nghệ hiện tại: Amazon, Facebook, Google và Apple đã buộc phải trình diện trước Uỷ ban chống độc quyền của Hạ viện Mỹ để giải trình về cáo buộc chống độc quyền. Điều này không quá khó hiểu bởi quyền lực và tầm ảnh hưởng của những ông lớn này trong thế giới ngày một lớn, và thậm chí không quá đáng khi nói rằng 4 tập đoàn hàng đầu này dần trở thành những ông trùm của không gian mạng: người dùng có rất ít hoặc gần như không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng các dịch vụ mà những ông lớn này cung cấp. 

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu họ có thật sự độc quyền? Đứng ở góc nhìn pháp luật, chúng tôi không đủ năng lực để đưa ra câu trả lời. Nhưng khi đứng ở góc nhìn của người dùng, chúng tôi có thể phần nào đưa ra câu trả lời khi thử cố gắng thích nghi với một cuộc sống không có những gã khổng lồ này. Thí nghiệm này đã được thực hiện bởi Gizmodo vào năm ngoái với mục tiêu giải đáp cho vấn đề nêu trên. Kết quả thật sự không bất ngờ khi thử nghiệm này hoàn toàn thất bại. Bạn muốn loại bỏ Facebook, Apple, Google, Amazon khỏi cuộc sống của bạn: khó đấy. 

Tác giả của thí nghiệm này có bề dày kinh nghiệm làm việc trong lĩnh việc Digital Privacy và có kiến thức chuyên sâu về phương thức mà những gã khổng lồ này tạo ra nền tảng cho cuộc sống trên mạng của mỗi người. Để chuẩn bị cho thí nghiệm này, tác giả – với sự hỗ trợ của đồng nghiệp cùng ứng dụng VPN được thiết lập để chặn hàng triệu địa chỉ mà những gã khổng lồ này kiểm soát, qua đó giới hạn tối đa việc gửi/nhận dữ liệu từ Google, Facebook, Apple, Microsoft và Amazon.

Tiếp theo, lần lượt Amazon, Facebook, Google, Apple, Microsoft bị chặn rồi tất cả dịch vụ của những công ty này đều bị chặn. Kết quả nhận được là bạn cần phải nghiêm túc với kế hoạch này vì nó cực kì khó thực hiện nhất là với Amazon và Google – hai công ty khó nhất để loại ra khỏi cuộc sống của bạn.

Đầu tiên, nói về Amazon, bạn sẽ nghĩ ngay tới dịch vụ thương mại điện tử nổi tiếng của Jeff Bezos. Ở Việt Nam bạn có thể đặt hàng trên Amazon, nhưng ngưng sử dụng dịch vụ này có lẽ không phải là vấn đề lớn. Amazon còn những mảng kinh doanh khác mà nổi bật nhất trong đó là điện toán đám mây. Việc cắt bỏ Amazon đồng nghĩa với việc bạn sẽ không truy cập được tới các trang web được host bởi Amazon Web Service (AWS). Trong thực tế, rất nhiều ứng dụng và một phần rất lớn Internet sử dụng dịch vụ AWS để lưu trữ nội dung số. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ buộc phải từ bỏ nhiều dịch vụ liên quan, trong đó có Amazon Prime Video, đối thủ cạnh tranh của Netflix.  

Ngoài ra, điều này có lẽ không đúng hoàn toàn ở Việt Nam như nói ở trên, nhưng ở những nước Âu, Mỹ, Canada, việc cắt bỏ Amazon còn khó hơn rất nhiều. Bạn có thể nghĩ ngay đến Ebay như dịch vụ thay thế, nhưng cả chính Ebay cũng được Amazon chen chân vào khi rất nhiều người bán hàng trên đây sử dụng dịch vụ “Fulfillment by Amazon” trong việc hỗ trợ lưu kho và vận chuyển hàng hoá. Thử thách đầu tiên: Khó đó!!!.

Amazon.com: Amazon.com eGift Card
Ngưng sử dụng Amazon – Khó đó.

Nói về Google, tới đây cá nhân tôi thực ra thấy hơi nực cười vì cái ý nghĩ hơi “trẻ con” này. Hằng ngày, khi cần tìm kiếm một điều gì đó, điều đầu tiên và ngay tức khắc, có thể coi là bản năng, là vào Safari hay Edge và gõ Google.com (có thể không cần luôn khi Google là trang tìm kiếm mặc định trên Safari). Nói một cách khác, với cá nhân tôi, Google gần như là một thói quen khó bỏ, nó đáp ứng được cái nhu cầu tìm kiếm hiểu biết, trả lời thắc mắc của con người. Google, theo quyển The Four của Scott Galloway, dần trở thành vị thần trong thần thoại khi nó có thể đưa ra câu trả lời cho hầu hết tất cả các vấn đề, và dĩ nhiên là tức thời. Còn nếu chặn Google, toàn Internet sẽ bỗng dưng chậm lại với bạn vì hầu hết tất cả các website bạn truy cập đều sử dụng Google để cung cấp font chữ, chạy quảng cáo, the dõi người dùng hay dịch vụ recapcha của hãng. Điều này sẽ gây ra những khó khăn bất ngờ, bạn không thể truy cập được Dropbox khi nó không biết phân biệt được liệu bạn là người thật hay là bot. Bạn không đăng kí được tài khoản của trang web thương mại điện tử khi nó sử dụng Recapcha. Ngoài ra, rất nhiều dịch vụ gọi xe hiện tại sử dụng bản đồ của Google Maps, tới đây bạn hiểu rồi nhỉ. Ở Việt Nam, có lẽ nếu bạn nghiêm túc, bạn khó có thể sử dụng Grab, vốn dĩ là dịch vụ gọi xe phổ biến nhất hiện nay.

Google's New COVID-19 Fund to Offer Paid Sick Leave for Temporary Staff
Bạn muốn bỏ Google khỏi cuộc sống – Điều này có lẽ gần như không thể.

Amazon hay Google là hai gã khổng lồ cung cấp xương sống cho hạ tầng của Internet, qua đó len lỏi tới từng ngóc ngách của thế giới kĩ thuật số. Đến cả những đối thủ cạnh tranh của họ cũng phải dựa vào những dịch vụ mà họ cung cấp để sống còn. Bạn nghĩ về điều này như thế nào? 

Tiếp theo là tới Facebook, Apple và Microsoft. Thật ra Facebook không quá khó để ngưng sử dụng, bạn chỉ đơn giản deactivate nó. Xong. Nhưng những dịch vụ khác mà Facebook cung cấp như Instagram, WhatsApp sẽ thật sự là một thử thách. Instagram đang trở thành một mạng xã hội có tính gây nghiện cao và bạn sẽ có thể phải tự trách mình khi bạn bỏ lỡ nhiều sự kiện quan trọng, được bạn bè người thân chia sẻ thông qua các post – story trên mạng xã hội này. Trong khi đó, WhatsApp lại là một nền tảng nhắn tin bảo mật và khá phổ biến. Rất nhiều doanh nghiệp sử dụng WhatsApp như một kênh liên lạc nội bộ nhằm truyền đạt thông điệp một cách nhanh nhất, an toàn nhất. Tuy nhiên, việc ngưng sử dụng Facebook và các dịch vụ đi kèm của nó khó, nhưng không phải là không làm được. Deactivate, và xoá app, bạn có thể thực hiện được thử thách này. Thử thách này: Khả thi.

Activists from Myanmar and beyond call for Facebook to fix moderation - The  Verge
Facebook tưởng như là khó bỏ nhất, nhưng lại là dịch vụ khả thi nhất trong các dịch vụ trong bài.

Nói về Apple, phần lớn hiện này smart phone mà mọi người cầm trên tay là sản phẩm của Apple. Một bộ phận kha khá người dùng sử dụng Macbook – iPad và các dịch vụ của Apple như iCloud, Music, TV, News, Arcade, v.v. Cắt liên lạc với Apple: bạn sẽ phải cân nhắc

  • Dùng tạm điện thoại khác, cục gạch Nokia chẳng hạn – OK chấp nhận được, điều khó khăn ở đây là bạn sẽ phải làm quen lại với cách nhắn tin từ thế kỉ trước. Challenge Accepted chứ?
  • Thay Laptop khác, Chrome Book hay Windows – Lại đụng vào Google và Microsoft. À không, thiết bị sử dụng Ubuntu, Linux cũng chấp nhận được.  
  • Ngưng các dịch vụ của Apple – iCloud bạn có thể không dùng, mà thật ra nếu đã dùng cục gạch, thì làm cách nào bạn có thể sử dụng các dịch vụ đó? 
Apple is switching Macs to its own processors starting later this year -  The Verge
Việc ngưng sử dụng dịch vụ của Apple là khả thi, điều quan trọng là bạn phải tìm kiếm sự thay thế và dần dần thích nghi với hệ sinh thái mới.

Như vậy với Apple, cái khó là bạn thay thế cái thói quen sử dụng hệ sinh thái thiết bị đơn giản, đa dạng của hãng và thay vào đó bằng một trải nghiệm khó có thể tốt hơn, bạn sẽ thấy ức chế đấy, không đùa đâu. Sau đó là ngưng sử dụng các dịch vụ mà Apple cung cấp – đây vốn dĩ là chiến lược mà Apple tập trung những năm gần đây để trói người dùng vào hệ sinh thái thiết bị này. Vậy để ngưng sử dụng Apple, bạn nên tìm kiếm những sự thay thế khác: Android (lại là Google) – Feedly – DropBox, v.v. và dần thích nghi với những dịch vụ này trước khi từ bỏ hẳn, điều này sẽ dễ hơn là thay thế ngay tức thì Apple đấy.

Còn Microsoft, công ty không tham gia vào cuộc chiến độc quyền lần này. Nhưng ai cũng biết vào những năm 2000 Microsoft do Bill Gates lãnh đạo đã đối mặt với cuộc chiến khốc liệt suýt khiến công ty bị tách làm hai. Thật ra ngưng sử dụng Microsoft không khó tại chiến lược của hãng là tập trung vào đối tượng khách hàng doanh nghiệp. Ở góc nhìn người dùng, việc sử dụng Laptop Linux, Libre Office, hay các dịch vụ tương đương khác không phải là một điều gì đó quá khó khăn. Tuy nhiên, giống với Amazon, hay nói cách khác Microsoft cũng cạnh tranh trực tiếp với Amazon trong dịch vụ lưu trữ đám mây – máy chủ và việc tìm cách nói không với Microsoft sẽ mang lại hệ quả nghiêm trọng cho bạn: sẽ có nhiều dịch vụ – website mà bạn không truy cập được. Hơn nữa, Skype và LinkedIn cũng là hai mạng xã hội lớn của gã khổng lồ Redmon này. Chậc, khó đó, vì rất nhiều người vẫn ưa chuộng việc nhắn tin gọi điện qua Skype hay tìm kiếm cơ hội việc làm mới trên LinkedIn.

Microsoft's Office 365 is now Microsoft 365, a 'subscription for your life'  - CNET
Microsoft không đứng ngoài thử thách này đâu. Tuy nhiên dịch vụ của hãng cũng khá dễ dàng bị thay thể bởi những lựa chọn phù hợp khác.

Tới đây, bạn có thể đưa ra luận điểm rằng: Nếu không thích sản phẩm của họ, bạn đừng dùng. Tuy nhiên, những ví dụ liệt kê ở trên có lẽ phần nào giúp bạn nhận ra điều đó khó tới dường nào. Những gã khổng lồ ấy, với dịch vụ của họ, len lỏi vào cuộc sống thường ngày, công việc của bạn tới một mức độ bạn khó có thể hình dung. Nói cách khác, đó không phải là những sản phẩm thông thường, nó đã trở thành một công cụ mà những tập đoàn lớn này dùng để phần nào kiểm soát cuộc sống chúng ta, khiến chúng ta dần lệ thuộc vào họ. 

Với thí nghiệm này, có hai luồng ý kiến. Những gã khổng lồ này cho thấy được sự ảnh hưởng rộng khắp cùng vai trò quan trọng của họ trong nền kinh tế thế giới cũng như sự thay đổi lớn lao mà những công ty này mang lại cho con người. Tuy nhiên, điều cần lưu tâm rằng những công ty này cùng dịch vụ của họ không những thay đổi cách thế giới vận hành, mà bằng cách nào đó còn kiểm soát nó thông qua lượng thông tin khổng lồ, cơ sở hạ tầng mạnh, để qua đó có thể chi phối không chỉ cuộc sống mỗi người, mà cả thị trường hay chính trường, qua đó tạo ra rào cản độc quyền kềm hãm sự phát triển của thị trường. 

Dĩ nhiên, sau tất cả, cuộc thử nghiệm này cũng kết thúc và mọi thứ lại đâu vào đấy, Facebook, Google, Amazon, Microsoft, Apple lại vẫn sẽ trở lại vị trí của họ, một mặt mang lại những trải nghiệm tuyệt vời cho cuộc sống, một mặt dần khiến mỗi người – doanh nghiệp trở nên phụ thuộc vào sự hiện diện của họ hơn bao giờ hết. 

Nguồn:  NYTimes