Mindset – Gieo tư duy, gặt số phận

Bạn có tin rằng cuộc đời bạn được định sẵn? Hay bạn tin rằng bạn có thể chiến thắng số phận. Tôi tin vào mệnh đề sau và Mindset là cách để tôi củng cố niềm tin đó của chính mình. 

Image for post
Nguồn: Medium

Từ nhỏ có lẽ mỗi người chúng ta đã nghe rất nhiều về câu nói nổi tiếng của Lenin: Học, Học nữa, Học mãi. Có lẽ ai cũng đã từng không dưới một lần phản đối câu nói này với suy nghĩ, học làm gì, học lắm tắm cũng ở truồng hay học xong tấm bằng đại học, vậy là đủ rồi. Tôi cũng từng thế, nhưng đi một chặng đường dài, tôi mới nhận ra học là để bạn rèn luyện cách tư duy và chính cách bạn tư duy sẽ ảnh hưởng đến cách bạn sống cuộc đời của mình. Bạn tư duy phù hợp hay không phù hợp, bạn sẽ gặt được hạt giống mà bạn gieo trồng. Câu nói đầu tiên có lẽ cũng là thế với tầm ý nghĩa xa hơn về việc trau dồi. The Mindset do nhà nghiên cứu nổi tiếng Carol Dweck biên soạn lại một lần nữa tái khẳng định câu nói trên nhưng ở một cái tầm lớn hơn, với nội dung xoay quanh cách tư duy về quá trình nỗ lực. 

The Mindset xoay quanh nội dung chính là cách tư duy. Theo tác giả, Mindset có 2 loại: Growth Mindset và Fixed Mindset, trong đó: 

  • Fixed Mindset tin rằng năng lực mỗi cá nhân là giới hạn và người có tư duy này thường ám ảnh với việc chứng tỏ bản thân mình: Tôi thành công hay thất bại; thông minh hay ngu ngốc, là kẻ chiến thắng hay chiến bại? 
  • Growth Mindset tin rằng tiềm năng mỗi người là không thể xác định trước được và mỗi cá nhân hoàn toàn có thể được cải thiện, nuôi dưỡng suốt cuộc đời. Họ đam mê thách thức vì họ tin rằng ẩn chứa trong đó là cơ hội để nâng cao kĩ năng, kiến thức của chính mình. Hơn nữa, với họ, tại sao lại phải cố gắng chứng mình chính mình khi bạn ngày mai có thể tốt hơn bạn hôm nay? 

Với hai cách tư duy trên, tác giả sẽ dẫn người đọc đi qua hành trình hiểu sâu hơn về các đặc tính của mỗi loại tư duy, cùng theo đó là tính ứng dụng mà nó mang lại. Bài tóm tắt sau sẽ cố gắng kể lại hành trình này, khi chính tôi cũng đã nhận ra được những khiếm khuyết trong cách tư duy của mình, để thay đổi. 

Bản chất của Mindset

Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là, liệu năng lực của mỗi cá nhân là cố định, hay có thể được thay đổi trong suốt quá trình sống, làm việc? Lấy ví dụ một đứa bé sơ sinh mới ra đời, ở đứa bé bên cạnh sức sống mãnh liệt còn có một động lực học hỏi vô cùng lớn để phát triển những kĩ năng: ăn, uống, bò, trườn, đi đứng, rồi đi học để trau đồi bản thân mình. Điều gì sẽ khiến quá trình học tập này bị ngừng lại? Đó là Fixed Mindset. Chính tư duy nà là khởi điểm của việc gắn giá trị của chính bản thân mỗi người vào những đặc tính cố định, qua đó ở họ luôn có một thôi thúc là phải thành công cấp bách. Dĩ nhiên, họ sẽ cảm thấy tự hào khi thành công đến với họ, nhưng sự tự hào đó đến từ cảm giác rằng họ có những đặc tính cố định khiến họ trở nên tốt hơn nhưng người khác. Họ quên mất rằng: họ là một người nào đấy khi thành công, vậy họ sẽ là ai khi thất bại ập đến? 

Tất cả các trẻ em đều không quá xuất chúng, không thể hiện rõ tài năng cho tới khi quá trình rèn luyện trau đồi được bắt đầu một cách hứng thú

mINDSET – CAROL DWECK

Trong khi đó, những đứa trẻ hay bất kì ai có growth mindset lại có cách nghĩ hoàn toàn khác. Chúng luôn tìm kiếm thử thách, mà đó không đơn thuần là bài toán, câu đố hay vấn đề khó hơn là là cách để chúng kéo giãn bản thân mình, qua đó lớn lên và phát triển. Cách tư duy của những người này không phải để tìm kiếm sự hoàn hảo tức thì, mà là quá trình học hỏi lâu dài. Ở họ, tiềm năng là một yếu tố cần thời gian để trau dồi và nở rộ. Điều này xảy ra khi chính họ luôn đối diện với chính bản thân mình để chấp nhận những điểm còn yếu kém và có sự cải thiện. Những đứa trẻ có tư duy này là những minh chứng rõ ràng cho việc năng lực hay khả năng học hỏi của não bộ là vô hạn và chỉ bằng việc cố gắng, những tiềm năng ấy  ấy mới có cơ phát triển rực rỡ. 

Mindset và thành tựu

Why a Healthy Mindset Is the Key to Successful Entrepreneurship
Nguồn: Inc

Với nhiều người, biểu tượng bóng đèn sáng là biêu tượng cho những sáng kiến, phát minh hay những thành tựu xảy ra trong một khoảng khắc nhất định. Tuy nhiên, quan điểm này khá là sai lầm bởi những thành tựu tương tự đều là một quá trình dài của tiệc tích luỹ những bước tiến, thành công hay thất bại nhỏ. Điều này dẫn ta tới một khía cạnh khác của cách tư duy về nỗ lực và thành công.

Đầu tiên, người có fixed mindset không đánh giá cao việc nỗ lực. Chính vì việc luôn cho rằng các đặc tính của mình là cố định, là không thể thay đổi, họ đối diện với cách giai đoạn trưởng thành bằng cách khá tiêu cưc. Thay vì nhìn nhận chúng như những cơ hội để học hỏi, những người này lại lo lắng rằng những điểm yếu của mimhf sẽ bị bộc lộ và bởi vì không đánh giá cao việc nỗ lực, việc duy nhất họ thực hiện là bảo vệ mình khỏi việc bộc lộ những điểm yếu này. Họ tự giới hạn khả năng của chính mình khi luôn tìm kiếm những kết quả khiến họ cảm thấy tự thoả mãn với năng lực cố định của mình. 

Trong khi đó, những người có growth mindset lại trân quý việc nỗ lực và không đánh giá thấp yếu tố này. Thay vào đó, họ xem đấy là chiến lược để trở nên thông minh hơn. Thất bại hay điểm số thấp không phải là điều tồi tệ mà là cơ hội để họ hiểu kĩ hơn, trau dồi nhiều hơn để trở nên tốt hơn 

Khen ngợi và đánh giá cao nỗ lực là cách nên làm để phát triển tư duy growth mindset.

mindset – CAROL DWECK

Mindset trong cuộc sống

Cách tư duy trình bày xuyên suốt ở trên khi nhìn vào các khía cạnh trong cuộc sống thì có ý nghĩa như thế nào. Phần này sẽ lướt chung qua cách mà việc dư duy ảnh hường đến cách mỗi cá nhân vận hành mọi việc trong lĩnh vực của họ thế nào

tree shaped like brain to signify a growth mindset
Nguồn: AConsciousRethink

Thể thao

Đây có lẽ là một lĩnh vực dễ thấy nhất của việc đánh giá cao tài năng bẩm sinh khi bạn có thể thấy nhan nhản trên mặt báo về những tiêu đề Kaka mới, Christiano Ronaldo mới hay Messi mới hoặc Kobe Bryant mới. Tuy nhiên thực tế đã chứng tỏ ngược lại rằng những ngôi sao hàng đầu thế giới, trong bất kì môn thể thao nào như bóng đá, bóng rổ, tennis, v.v. đều phần lớn là những người rất đỗi bình thường nhưng nhờ nỗ lực, chăm chỉ luyện tập để trở nên phi thường. Ở họ, mục tiêu tối thượng không phải là thành công, mà là nhìn thấy bản thân mình tiến bộ mỗi ngày. Cũng chính vì thế, với nhà vô địch, khó khăn hay thấy bại chỉ là những yếu tố mang lại động lực lớn hơn. Những điều đó mang lại cho họ thông tin chi tiết hơn để họ cải thiện. Growth mindset ở những ngôi sao này giúp họ chấp nhận đổ mồ hôi, tập trung  làm việc dưới áp lực để kéo giãn chính mình vượt xa khỏi năng lực hiện có. Họ chịu trách nhiệm với quá trình dẫn đến thành công của chính mình và duy trì quá trình này.

Everything negative – pressure, challenges – is all an opportunity for me to rise.

KOBE BRYANT

Ở chiều ngược lại, những vận động viên với tư duy fixed mindset, dù có tiềm năng đến đâu thì với họ, những khó khăn thử thách lại là rào cản để chính họ tự gắn mình với năng lực hiện có mà quên đi việc cố gắng vượt qua rào cản đó. 

Kĩ năng có thể đưa bạn lênh đỉnh, nhưng để ngự trị trên đỉnh cao, bạn cần tố chất của một nhà vô đich

Mindset – Carol Dweck

Tư duy trong kinh doanh

Bạn có thể thấy những năm gần đây, rất nhiều doanh nghiệp sử dụng việc các chương trình tìm kiếm tài năng như một cách thu hút các bạn sinh viên mới ra trường. Thật ra việc này không xấu, nó giúp các doanh nghiệp này tìm kiếm những người có tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, hệ luỵ đi kèm theo đó có thể sẽ rất lớn. Hãy thử tưởng tượng nếu công ty bạn làm đặt niềm tin lớn vào tiềm năng, tài năng bẩm sinh thì sẽ thế nào? Trước tiên, các ứng viên sẽ luôn phải tỏ ra họ có tài năng. Sau đó, cá nhân bạn làm việc trong một môi trường trân quý tài năng như vậy, sẽ luôn phải gồng mình chứng tỏ bản thân mình có tài năng. Bạn không được phép sai sót, vì nó sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh của bạn, và qua đó ảnh hưởng tới đường “quan lộ”. Hãy thử tưởng tượng trong một doanh nghiệp như thế, ai cũng sẽ chăm lo thể hiện hình ảnh, bảo vệ mình thậm chí bằng cách tiêu cực như che đậy các thiếu sót, khuyết điểm, đổ thừa, v.v. Doanh nghiệp đó sẽ ra sao? Enron là một ví dụ điển hình khi một trong những sai lầm lớn nhất là quá đánh giá cao tài năng mà quên mất rằng việc trau dồi tiềm năng đó cũng đóng vai trò rất quan trọng. Tại những công ty này, lãnh đạo là tối thượng, là luôn đúng và họ là những người luôn khao khát danh tiếng cho bản thân mình, cho cái tôi của mình. 

growth mindset
Minhdset đúng là khởi điểm để phát triển doanh nghiệp – Nguồn: EmotiveBrand

Vậy thế nào sẽ là điều tốt nhất? Thật ra câu hỏi này khó để có thể trả lời, nhưng nếu bạn tìm được môi trường đánh giá cao quá trình học hỏi, và phát triển, bạn nên xem xét cam kết với môi trường đó. Lãnh đạo ở những môi trường này thường là những cá nhân có năng lực, nhưng họ luôn có tư duy phát triển khi đặt ra những câu hỏi thách thức, tìm tòi hoặc chấp nhận thất bại. Không những thế, những doanh nghiệp này có niềm tin vào sự phát triển của nhân viên, con người và đánh giá cao quá trình nỗ lực để đạt được những bước tiến lớn trong công việc. Tại những công ty này, lãnh đạo được sinh ra từ những người rất bình thường, qua sự nỗ lực mà trở nên mạnh mẽ để lèo lái các dự án, doanh nghiệp tiến lên. Jack Welch và General Electric là một ví dụ điển hình khi ông tự thay đổi, sửa chữa mình để trưởng thành và lèo lái doanh nghiệp này. Ông luôn mở lòng với các ý tưởng mới, lắng nghe mọi nhân viên từ thấp đến cao. Với ông, CV của bạn sẽ không bao giờ thể hiện được niềm đam mê học hỏi cũng như nỗ lực hoàn thành mọi thứ bạn bắt đầu, và đó chính là những yếu tố ông tìm kiếm cho doanh nghiệp của mình. 

Tư duy trong các mối quan hệ 

Vậy fixed mindset và growth mindset trong các mối quan hệ thì sẽ thế nào? Các mối quan hệ ở đây nhìn chung đến từ bạn bè, tình cảm. Và sự thật thì những người có tư duy fixed mindset luôn sợ và cho rằng mình bị đánh giá, gắn mác thông qua sự từ chối. Ở họ, các mối quan hệ là các điều tự nhiên, cần phải xảy ra mà không cần phải cố gắng hay sự thấu hiểu là mặc định. Nếu cần phải cố gắng, hay không nhận được sự thấu hiểu lẫn nhau, đối phương không tự nhiên hiểu được mình thì họ sẽ cho rằng mối quan hệ đó không phải là của họ. Họ sẽ khẳng định rằng, điều đó đến từ những khác biệt về mặt tính cách.

Tuy nhiên, sự thật thì mỗi cá thể là một tổ hợp của rất nhiều yếu tố như môi trường sống, giáo dục, gia đình v.v. và việc hiểu được nhau một cách tự nhiên là bất khả thi. Cũng như các thành tựu, các mối quan hệ khăng khít sẽ luôn đi kèm các vấn đề. Và những người có cách nhìn growth mindset hiểu rằng họ sẽ luôn phải cố gắng để mối quan hệ của họ trở nên tốt đẹp, để họ hiểu được bạn bè mình hay người yêu mình hơn. Họ không muốn thay đổi đối phương, mà sẽ luôn cố gắng, nỗ lực để thích nghi và điều này cũng sẽ xảy ra với phía còn lại. 

Việc tìm kiếm được người bạn chia buồn với khó khăn, mất mát của bạn không khó. Khó là tìm một người thật sự vui, không chút ghen tị với thành công, sự kiện lớn trong cuộc đời bạn 

mINDSET – CAROL DWECK

Tư duy trong mối quan hệ làm cha mẹ/giáo dục 

Chúng ta luôn nghe rằng ba mẹ khẳng định rằng sẽ luôn làm điều tốt nhất cho con cái, sẽ luôn tạo điều kiện để con cái thành công. Tuy nhiên sự thật đáng buồn là những đánh giá, nhận xét, bài học hay cách động viên đôi khi lại chuyển tải những thông điệp không đúng khi đó có thể là sự phán xét với những đứa trẻ rằng: năng lực của con chỉ tới thế hoặc đó là sự chia vui khi ba mẹ hứng thú với sự phát triển, tiến bộ của con. 

Trước hết, ở vai trò làm ba mẹ hay thầy cô, chúng ta có thể truyền tải thông điệp về thành công bằng nhiều cách. Tuy nhiên, việc nên làm và cần làm là tránh xa cách khen ngợi đánh giá cao trí thông minh và tài năng. Việc khen ngợi năng lực này sẽ dễ truyền tải thông điệp sai lầm với những đứa trẻ rằng chúng thông minh, tài năng nên thành công sẽ là mặc định. Và nếu điều ngược lại xảy ra, chúng sẽ không thông minh, và sẽ bị ba mẹ/thầy cô phán xét, chê trách. Thay vào đó, việc khen ngợi quá trình phát triển, học hỏi, nỗ lực của một đứa trẻ sẽ chỉ ra cho chúng rằng mọi thứ, mọi việc đều cần phải có sự nỗ lực, học hỏi, kiên định cùng chiến lược. Và chúng sẽ có thể tiến bộ nếu cam kết nỗ lực, cố gắng. Bằng việc đặt ra những câu hỏi về thành quả chúng đạt được, chúng ta sẽ có thể chuyển tải thông điệp về trái ngọt mà sự nỗ lực sẽ mang lại.

Tầm ảnh hưởng mà Growth Mindset tác động lên việc làm cha mẹ/giáo dục là rất lớn – Nguồn: tofasakademi

Thế còn với sự thất bại? Dĩ nhiên, đó không phải là một niềm vui với những đứa trẻ, thất bại có thể sẽ khiến chúng nhụt chí, vỡ vụn. Tuy nhiên thông điệp mà người lớn chúng ta chia sẻ, về sự thấu hiểu cũng như phân tích những điểm tốt/chưa tốt, hay nói cách khác là truyền tải sự thật, sẽ giúp những đứa trẻ học từ thất bại và hiểu rằng nếu chúng cam kết, đó sẽ là động lực để thành công. Những đứa trẻ cần những lời góp ý chân thật và xây dựng, chúng không cần sự phán xét hay sự bảo vệ khỏi nỗi đau của thất bại. Chính việc này có thể sẽ khiến chúng cảm thấy mình nhận được sự so sánh, phán xét để dẫn tới nỗi sợ chính ba mẹ của mình. Tuy nhiên, những thông điệp mang tính xây dựng ấy sẽ giúp cả bản thân người lớn và trẻ hiểu rằng đó cần phải là một quá trình học hỏi, không phải thành công một sớm một chiều và sai lầm sẽ là cơ hội để cả ba mẹ/thầy cô lẫn những đúa trẻ học hỏi

Chúng ta với vai trò là người lớn, hay quan tâm đứa trẻ mình đang nuôi dưỡng, giáo dục là ai, hứng thú điều gì và muốn đạt dược những gì để khuyến khích chúng cam kết nỗ lực để đạt được ước mơ đó. Hãy ngừng việc ép buộc chúng đạt được điều mà chúng ta muốn hay mơ ước bởi đó sẽ là sự ích kỉ “vĩ đại” đẩy đứa trẻ vào nỗi sợ bị phán xét, đánh giá đi theo chúng suốt cuộc đời. 

Kết luận

The Mindset là một tác phẩm thay đổi cách bản thân tôi suy nghĩ và cách tôi sống. Dĩ nhiên, trong suốt quá trình đọc và sau khi hoàn thành việc đọc, tôi không dễ dàng tránh khỏi cái bẫy phán xét hay fixed mindset mà mình mắc kẹt trong vài lĩnh vực của cuộc sống. Thế nhưng the Mindset giúp tôi hiểu rõ hơn được cái bẫy này để tự sửa đổi, và hơn hết là né tránh nó bằng việc tôn trọng và chấp nhận mỗi người như là chính họ, không phán xét, không so sánh. Hơn nữa, chính tôi cũng dần tin rằng việc cam kết với những mục tiêu mình đề ra, nỗ lực chăm chỉ vì nó sẽ giúp tôi tiến bộ hơn mỗi ngày. Tôi coi việc này như một niềm vui lớn trong cuộc sống, một mục tiêu mỗi sáng tôi thức dậy: Hôm nay mình sẽ hoàn thành các mục tiêu đề ra với kết quả tốt hơn hôm qua. 

How a change in mindset can make this challenge much easier?
Nguồn: OneYearNoBeer

Tôi hi vọng bạn có thời gian đọc qua quyển Mindset của Carol Dweck để hiểu rõ hơn về công trình nghiên cứu của bà cũng như những chiến lược để thay đổi bản thân mình. Tác phẩm cũng không quá khó đọc với lối văn đơn giản, rành mạch và cấu trúc rõ ràng. Tuy nhiên, nếu không có thời gian, tôi mong rằng bài tóm lược nội dung sách này sẽ góp một ít sức lực nào đó để bạn đâu đó nhận ra rằng bạn, hay tôi đều có những tiềm năng có thể phát triển. Chỉ cần cam kết, tập trung, đổ mồ hôi, tôi và bạn đều có thể bước qua giới hạn đang có để lớn mạnh hơn nữa

This is ten percent luck

Twenty percent skill

Fifteen percent concentrated power of will

Five percent pleasure

Fifty percent pain

And a hundred percent reason to remember the name

remember the name – fort minor

La LuMiere – Tháng 08/2020