2022 vừa qua, mình vẫn dành phần lớn thời gian để đọc sách nhưng tập trung vào các nội dung chuyên môn nhiều hơn. Hơn nữa, mình cũng quyết định ưu tiên nhiều hơn vào chất lượng: nội dung – tính thực tiễn – áp dụng hơn là số lượng sách đọc được
Bài viết này nhằm tổng hợp lại những quyển sách hay nhất mà mình đọc trong năm rồi
Getting To Yes – Roger Fisher & William Ury
Năm rồi, mình đối mặt với một vài tình huống cần phải thương lượng một cách khéo léo và trong hoàn cảnh đó, kết quả thực hiện không quá tốt khiến mình phải suy nghĩ về việc cải thiện kĩ năng này. Getting To Yes là một giải pháp khả thi khi các tác giả trình bày một cách thức đàm phán mới dựa trên quan điểm đôi bên cùng có lợi, cùng tìm ra một giải pháp chung cho vấn đề cần giải quyết. Bạn có thể tìm hiểu nội dung chi tiết thông qua bài viết này

Hơn nữa, yếu tố con người luôn được cân nhắc trong suốt quá trình tìm hiểu, đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp. Ngoài ra, việc đàm phán luôn dựa trên các tiêu chuẩn cụ thể chứ không phải dựa theo các yếu tố cảm tính như cảm xúc, quyền lực, v.v. Một điểm hay nữa, là bạn sẽ luôn cần phải chuẩn bị giải pháp nếu hai bên không tìm được giải pháp chung. Điều này sẽ giúp bạn có một mỏ neo để không bị cuốn theo cuộc nói chuyện, hay không bị quyền lực bên kia làm cho sợ hãi
Điểm mình thích
- Nội dung rành mạch, ngắn gọn đơn giản và dễ dàng áp dụng với các gợi ý
- Đi kèm theo đó là các tình huống thường xảy ra, những câu chuyện có thật trong lịch sử
- Đưa ra nhiều câu hỏi và giải đáp để bạn có được một góc nhìn rõ ràng hơn về framework này
Điểm mình không thích
- Thiếu đi một sơ đồ quy trình, nhưng nhìn chung điều này không làm ảnh hưởng đến nội dung sách
Và dĩ nhiên, để áp dụng quyển sách này thì bạn cần phải tự liệt kê cho mình nhưng tiêu chuẩn – câu hỏi cụ thể để áp dụng khi cần
Learning How To Learn – Học cách học – Barbara Oakley
Quyển thứ 2 trong danh sách này về cơ bản thì hướng đến học sinh cấp 2 – 3 nhưng theo đánh giá của mình thì ai cũng có thể đọc được, nhất là những bạn đã đi làm nhưng luôn muốn dành thời gian trau dồi bản thân mình. Bạn có thể tìm đọc bài viết chi tiết với các kĩ năng đi kèm tại đây

Về cơ bản, các tác giả dẫn bạn đi qua một chuyến hành trình thú vị để hiểu về não bộ của mình cùng với cách hoạt động của nó. Dựa vào nền tảng đó, bạn được hướng dẫn các kĩ năng để tận dụng cơ chế hoạt động của não: kĩ thuật Podomoro, ghi nhớ bằng hình ảnh, sơ đồ tư duy, phép ẩn dụ, v.v. để bạn dễ dàng hiểu – ghi nhớ và vận dụng các thông tin mà bạn học được
Điểm mình thích
- Cách trình bảy rất đơn giản, dễ hiểu. Ngay cả phần liên quan đến não bộ cũng được diễn giải rất trực quan để bạn nắm bắt được nền tảng
- Các thói quen, kĩ năng quan trọng nhưng đòi hỏi tính kỉ luật cao để nâng cao kĩ năng học của mình
- Cuối mỗi chương luôn có phần tóm tắt các ý chính, áp dụng triệt để gợi ý Active Recall mà tác giả gợi ý
- Sách truyền tải một thông điệp theo mình là rất quan trọng: cho dù bạn có xuất phát điểm như thế nào, khả năng học chậm/nhanh ra sao, chỉ cần bạn đặt bước chân nhỏ và kiên trì, bạn sẽ học được, làm được và tiến xa được.
Về điểm không thích, nói thật là mình không tìm ra được điểm nào khiến mình lấn cấn. Và thật sự đây là một quyển sách mà mình luôn gợi ý cho bạn bè/người thân khi cần.
Tác giả còn có một quyển khác liên quan đến việc học toán – A Mind For Numbers, bạn có thể cân nhắc tìm đọc.
Tôi nói gì khi nói về chạy bộ – Haruki Murakami
Mình đã nghe về tác giả Haruki Murakami từ rất lâu rồi nhưng sự thật là chưa có dịp đọc bất kì tác phẩm nào của ông. Đây là quyển sách đầu tiên mình đọc, phần vì được giới thiệu, phần là vì tựa đề có liên quan đến chạy bộ, vốn là hoạt động mà mình thực hiện mỗi buổi sáng để duy trì sức khoẻ. Quyển sách có thể coi như một quyển hồi kí ngắn của tác giả khi ông dẫn bạn qua hành trình khi ông còn trẻ, đến một ngày quyết định theo nghiệp nhà văn hay quá trình tập chạy, tập Triathlon (3 môn phối hợp). Trong suốt quá trình đó, không không kể nhiều về những thành tích, tự ca ngợi tài năng của mình mà thay vào đó là những chiêm nghiệm rút ra được trong quá trình chạy bộ – tập 3 môn phối hợp để rồi nhận ra ý nghĩa – triết lý mà ông áp dụng vào chính cuộc sống của mình, hơn hết là quá trình khơi nguồn sáng tạo của chính ông – điều mà ông cho rằng ông phải vất vả thực hiện hơn rất nhiều các nhà văn có tài năng bẩm sinh khác

Điểm mình thích
- Tác giả có lối hành văn đơn giản, nhưng thật sự nó lôi cuốn, bạn không dễ đàng bỏ quyển sách xuống đâu. Điều duy nhất khiến mình phải dừng lại là việc suy ngẫm những triết lý – ý nghĩa ông rút tỉa ra được trong suốt quá trình chạy bộ
- Nội dung rất phù hợp, chí ít ra là rất đúng với bản thân mình về những suy nghĩ, tư duy, cảm nhận mà chạy bộ mang lại
- Những mẩu chuyện ông kể rất đời thường, nhưng ẩn trong đó là những triết lý sâu sắc về cách đối mặt với những thử thách, nỗi sợ, với chính bản thân mình tại những điểm thấp nhất trong quá trình chạy bộ, xa hơn là trong suốt quá trình sống
- Quá trình chạy bộ, tác giả liên kết nó với sự sáng tạo của một người viết văn cũng như những tác dụng phụ mà công việc này mang lại. Chạy bộ là một giải pháp, hay nói cách khác là một liều thuốc để tác giả giảm thiểu tác động của nó, qua đó giúp duy trì sự sáng tạo, động lực viết
Measure What Matters
OKR – Objectives and Key Results, là một cách thức thiết lập mục tiêu và đo lường kết quả dựa trên các chỉ số cụ thể và cách thức này hiện đang được sử dụng tại rất nhiều nơi như Google, Amazon hay thậm chí cả các tổ chức từ thiện như Gates Foundation, ban nhạc U2. Về cơ bản, OKR có thể khiến bạn nghĩ tới KPI, nhưng một trong những điểm khác biệt của OKR đó là nó buộc bạn phải nghĩ tới thứ tự ưu tiên và tập trung vào nó. Hơn nữa, thứ tự ưu tiên còn giúp bạn dễ dàng truyền đạt công việc – mục tiêu đến các phòng ban, các thành viên trong nhóm để cả nhóm cùng có trách nhiệm với công việc của bản thân nói riêng hay của tập thể nói chung.

Điểm mình thích
- OKR thực sự đơn giản, nhưng cũng rất thách thức nếu muốn áp dụng bởi nó đòi hỏi bạn một quá trình dài tối ưu, thích nghi
- OKR cũng mang lại thông điệp về sự minh bạch giữa các thành viên trong nhóm cũng như giúp họ challenge lẫn nhau khi thiết lập các mục tiêu mang tinh thách thức
- Sách cũng chia vẻ kĩ hơn một góc nhìn khác về cách thiết lập mục tiêu hằng năm của các công ty và cách mà các nhà quản lý có thể thực hiện để đảm bảo quá trình thực hiện nó dược xuyên suốt, mang tính kịp thời thay vì xu hướng chỉ review mỗi lần một năm như nhiều công ty thực hiện tại thời điểm này
- Sách cũng sẽ gợi ý dến bạn cách thiết lập OKR cho tổ chức/cá nhân và các tài liệu bạn có thể đọc thêm để hiểu rõ hơn về framework này
Getting Things Done
Getting Things Done là một đầu sách liên quan đến Productivity đã lâu nhưng đến gần đây mới có dịp đọc. Thật ra, về cơ bản, Getting Things Done sẽ dẫn bạn đến 1 work flow với mục đích: giúp bạn ghi lại hết tất cả mọi thứ bạn cần phải làm (Cuộc sống – Gia đình – Công việc, v.v). Hay nói cách khác, bạn sẽ bóc tách những việc đó ra khỏi não để não bạn không còn vướng bận bởi suy nghĩ về chúng cho tới khi phải thực hiện chúng. Điều này giúp não có thể thảnh thơi tập trung vào việc thực hiện các tác vụ cần phải làm.

Workflow mà tác giả đề cập tới bao gồm việc liệt kê – sắp xếp – thực hiện chúng cũng như tối ưu hoá quá trình thực hiện này. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng tác giả sẽ giải thích cho bạn về sự khó khăn của việc việc nghiêm túc thực hiện workflow này cũng như những lợi ích mà nó mang lại nếu được thực hiện một cách nghiêm túc
Điểm mình thích
- Framework được đề cập có workflow cụ thể và các nguyên tắc cơ bản đi kèm: ví dụ nếu một việc chỉ cần dưới 2’ để thực hiện, bạn nên thực hiện nó ngay thay vì duy trì nó trong danh sách chờ
- Giải thích ý nghĩa mà việc Capture mang lịa khi nó cho phép não bạn được thảnh thơi thay vì phải vừa làm một việc vừa phải bận tâm các việc khác trong đầu
- Cụ thể hoá ý nghĩa của việc xác định “Next Action” để đảm bảo rằng mọi công việc đều tồn tại một hành động để thúc đẩy quá trình hoàn thành nó. Next action không rõ ràng thì khó mà tác vụ đó được hoàn thành
- Gợi ý cách thiết lập hệ thống lưu trữ – tập tin – danh sách quản lý tác vụ, dự án hay các ý tưởng tiềm năng nhằm đảm bảo rằng mọi thứ đều được ghi ra, tổ chức hợp lý và sau đó là thực hiện
- Khuyến khích việc thực hiện các buổi Weekly Review vào cuối tuần để nhìn lại workflow, hệ thống và tối ưu hoá nó theo thời gian
Điểm mình không thích
- Điểm trừ lớn nhất mình thấy có lẽ là tác giả viết đôi lúc hơi nhiều, dài dòng nhưng phần lớn là lặp đi lặp lại một ý nhất định nào đó trong chương sách
Kết luận
Những quyển sách trên là những nội dung mà mình tâm đắc nhất trong năm rồi và nó mang lại cho mình những kế hoạch để áp dụng vào năm sau hay những năm sau đó để liên tục hoàn thiện bản thân mình để làm việc hiệu quả hơn. Bạn đã từng đọc qua quyển nào trong này chưa? Nếu được hãy giúp mình chia sẻ thêm ý kiến của bạn về những quyển sách này nhé.