Cách đây không lâu, mình tình cờ thấy một câu hỏi trên Facebook một người bạn, đại ý rằng tại sao, từ những năm 50-60 cho tới nay, những đầu sách với nội dung về phát triển bản thân (Self-Improvement) xuất hiện ngày một nhiều và đa dạng, phải chăng mỗi cá nhân giờ đây đều không đủ tốt nên xu hướng này ngày một phát triển? Bản thân mình khi ấy cảm thấy nhận định này khá thú vị. Bẵng đi một thời gian, đồng hành cùng The Road To Character trên chuyến bay dài và những giờ tàu buổi sáng đã vô tình giúp mình phần nào giải đáp nhận định trên một cách có cơ sở.
The Road To Character sử dụng hai tuyến nhân vật chính, Adam I và Adam II để dẫn dắt câu chuyện. Kì thật, cá nhân mình cho rằng hai tuyến nhân vật này phù hợp với anh em Cain và Abel trong Kinh Thánh nhiều hơn. Về cơ bản, Adam I (Cain) và Adam II (Abel) có thể được xem là hai mặt cấu thành bản ngã của mỗi người. Adam I là mặt hướng đến việc cải thiện những kĩ năng, những kinh nghiệm mà mỗi người thể hiện trên CV cá nhân, qua đó dẫn đến việc thăng tiến trong sự nghiệp, hay nói cách khác là hình ảnh ngoại tại. Trong khi đó, Adam II lại hướng tới cái nội tại, cái giá trị cốt lõi về tính cách của mỗi người: tốt bụng, can đảm, chân thật, kiên nhẫn hay trung thành. Hơn nữa, trong khi Adam I muốn khám phá và chinh phục thế giới, Adam II lại muốn đi theo tiếng gọi phục vụ, hay trong khi Adam I sáng tạo và mong muốn đạt được nhiều thành tích cá nhân, thì Adam II lại mong muốn từ bỏ mọi thành công và địa vị, vì một mục đích cao đẹp nào đấy. Nói tóm lại, có lẽ thành công hay thay đổi thế giới bằng khả năng cá nhân là điều mà Adam I mong muốn còn với Adam II, việc tìm ra tiếng mời gọi từ thế giới mình đang sống, tìm ra được cái giá trị tâm hồn, để đồng điệu để hoà mình với thế giới, là sứ mạng.
Thế với hai mặt của bản ngã này, mặt nào quan trọng hơn? Thật ra, theo tác giả và bản thân mình đồng ý, thì cần có sự cân bằng giữa hai mặt. Tuy nhiên, dòng chảy lịch sử với sự kiện kết thúc chiến tranh thế giới thứ I và thứ II, cùng với sự phát triển của công nghệ, đã tạo ra sự mất cân bằng giữa cái tôi cá nhân và cái đạo đức nội tại. Cụ thể hơn, thời kì trước và trong chiến tranh, cuộc sống khó khăn cùng với sự ảnh hưởng của các giá trị đạo đức đã khiến con người trong giai đoạn ấy luôn tìm cách kềm hãm sự thể hiện bản thân. Tuy nhiên, niềm vui sướng, niềm hạnh phúc khi chiến tranh qua đi cùng với cuộc sống với kinh tế tốt hơn đã thúc đẩy con người thể hiện cái tôi cá nhân của mình ra nhiều hơn qua đó hình thành một xu hướng mới: The Big Me với suy nghĩ rằng mỗi người là một cá thể đặc biệt. Nhìn chung, xu hướng này đã mang lại sự tiến bộ rất lớn cho thế giới, bằng chứng là vai trò của phụ nữ trong xã hội, người da màu, cùng với các nhóm thiểu số đã có sự thay đổi. Đơn cử với trường hợp của phụ nữ, đã qua rồi cái thời người phụ nữ chăm chỉ ở nhà làm nội trợ, lắng nghe yêu cầu và sự áp đặt của đàn ông hay lễ nghi của xã hội. Thay vào đó, họ đã có quyền lựa chọn con đường mình đi, có quyền lựa chọn cách sốngvà nhất là đã và đang đóng góp rất nhiều giá trị cho xã hội, qua đó thể hiện sự bình đẳng cùng thông điệp rằng phụ nữ hoàn toàn có thể thực hiện những công việc phức tạp, và thậm chí còn tốt hơn rất nhiều so với đàn ông.
Nhưng, sự phát triển thần tốc của công nghệ, và nhất là mạng xã hội đã đẩy cái xu hướng này đi quá xa. Giờ đây, theo tác giả, việc giao tiếp trở nên đã quá dễ dàng dẫn tới việc cái giá trị thật sự của các mối quan hệ bị bỏ qua. Hơn nữa, mạng xã hội cũng đã góp phần lan truyền rộng rãi hình ảnh mỗi cá thể thông qua việc thu hút sự chú ý của bạn bè, ví dụ như trên News Feed. Hay nói về mặt tuyển dụng, xu hướng tìm kiếm, phát hiện, phát triển nhân tài đã thúc đẩy sự phát triển cái tôi cá nhân, thúc đẩy mỗi người cố gắng không ngừng để thăng tiến, để phát triển, qua đó làm mờ đi cái ý nghĩa của từ “character”. Giờ đây, nó mang hàm ý thể hiện các kĩ năng như kiểm soát cảm xúc, sự bền bỉ, v.v. chứ không còn là cái tính cách cốt lõi của mỗi người như vị tha, nhân hậu, hi sinh quên mình, v.v. Nhìn chung, giờ đây xã hội đang đi theo cái xu hướng xây dựng nên hình ảnh của một người thành đạt, có những kĩ năng mạnh mẽ, có địa vị, có thành tích để chinh phục thế giới – Adam I, nhưng đã có bao giờ tự hỏi rằng cái cốt lõi, cái giá trị thật sự của mỗi người – Adam II, đang ở đâu hay chăng? Có lẽ giờ đây, mọi người sẽ được định nghĩa thông qua kĩ năng và thành tích, được định hướng và chỉ dẫn cách thức để thăng tiến, nhưng không nhận ra rằng câu hỏi tại sao cần phải làm những việc này, đang bị bỏ ngõ. Ngay cả tình thương mà cha mẹ dành cho con cái, theo tác giả, cũng đã bị ảnh hưởng khi nó không còn là tình thương vô điều kiện nữa, mà thay vào đó là tình thương, sự ủng hộ chỉ đến khi những đứa con đạt được thành tích cao trong học tập, và đôi lúc bất chấp đi những phương thức, và giá trị được sử dụng để đạt được thành tích ấy.
Giờ đây, tác giả nhận định rằng hai bản ngã của mỗi cá nhân đã trở nên mất cân bằng, đã không còn đạt được sự hài hoà cần thiết. Chính vì lẽ ấy, sách muốn kể ra những mẩu chuyện nhỏ xảy ra từ những năm đầu của thế kỉ trước hay từ thời cổ, về những cá nhân đi tìm cái bản ngã của chính mình, đã vượt qua những nỗi đau, sự thiếu công nhận, đã bỏ đi cái giàu có, thành công hiện tại để nghe theo tiếng gọi từ cuộc sống, để nghiêm khắc, để tôi rèn mình trở thành người có giá trị đạo đức. Các nhân vật trong sách, đều nhận ra rằng họ là những cá thể nhỏ bé, yếu đuối, có tham, sân, si nhưng chính bản thân mỗi người, đều tự đàn áp cái tôi ích kỉ ấy, để đóng góp giá các giá trị cần thiết cho xã hội, để thực hiện những công việc cần phải làm, để đứng dậy từ sai lầm, để khiêm nhường đón nhận những khó khăn thử thách mà cuộc sống mang lại. Bởi lẽ, họ nhận ra cuộc sống của mình, đều phụ thuộc vào mọi người xung quanh, vào xã hội và chính họ đều có niềm tin rằng mình là công cụ của một Đấng quyền năng, nhằm làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn, đầy lòng vị tha, nhân hậu hơn.
The Road To Character không phải là một quyển sách dạy về cách sống, cách làm người, nhưng là một tác phẩm có thể giúp mỗi người nhận ra sự cần thiết của việc cân bằng hai mặt bản ngã trong mỗi cá nhân. Sách là một lời nhắc nhở mỗi người đọc trong việc nhận ra cái tôi ích kỉ; cái tôi cá nhân; và rồi mỗi người có thể đưa ra sự lựa chọn cần thiết để giúp cho cuộc sống của mình trở nên thanh thản hơn so với cuộc sống bị điều khiển bởi xu hướng mà xã hội tạo ra.
Minh Ngô