Tâm lý học về tiền – Phần 2

Ở phần trước, chúng ta đã nói về tiền cùng nhân sinh quan sống của mỗi người – sự may mắn & rủi ro – sự sinh tồn – chân trời thời gian cùng lợi tức quý giá nhất mà tiền mang lại. Tiếp theo, bài viết này sẽ đi tiếp các phần nội dung còn lại với một số yếu tố nổi bật và liên quan cụ thể hơn đến hành trình tài chính của mỗi cá nhân. Các bạn cũng có thể đọc lại bài viết trước ở đây nếu cần.

Tiết kiệm, cứ tiết kiệm. Bạn không cần một lý do cụ thể nào để tiết kiệm đâu

Bạn cứ tiết kiệm và không cần phải có một lý do nào để thực hiện việc đó đâu.

Thật ra, như có đề cập ở phần trước, kiếm tiền rất quan trọng, nhưng để của cải sinh sôi nảy nở, tỉ lệ tiết kiệm của bạn có vai trò quan trọng hơn mức thu nhập hay lãi suất đầu tư rất nhiều. Ví dụ một cách ví von nhé, thế giới gia tăng nguồn của cải năng lượng của nó không phải bằng cách làm tăng số năng lượng vốn có, mà làm giảm số năng lượng nó cần và điều này sẽ dễ dàng hơn. Tại sao? Vì việc sử dụng năng lượng có hiệu quả hơn lại nằm trong khả năng kiểm soát của loài người. Điều tương tự cũng đúng với tiền bạc khi tài sản là sự tích tụ của những thứ còn lại sau khi bạn tiêu thụ nguồn tiền đầu vào. Điều đó giúp gia tài của bạn được xây dựng mà không cần một nguồn thu nhập quá cao, nhưng thay vào đó là một hiệu suất tiết kiệm tốt, lối sống thanh đạm, vốn là hai yếu tố mà bạn kiểm soát được. Tuy nhiên, để thực hiện điều này không dễ tí nào. Thu nhập bạn cao hơn, bạn sẽ có xu hướng xài nhiều hơn. Khi đó, để tiết kiệm, bạn cần phải bỏ qua cái tôi của chính mình để khát khao ít hơn, khiêm tốn bỏ qua điều người khác nghĩ về bạn để tiêu xài đủ hay thậm chí ít hơn cho cuộc sống của mình.

Tiết kiệm vốn dĩ như như 1 con đập ngăn nước, đập càng cao thì năng lượng nước tạo ra càng lớn để giúp bạn tránh khỏi những bất ngờ của cuộc sống vào những thời điểm bạn không thể nghĩ tới. Không dừng lại ở đó, việc xây dựng con đập tiết kiệm này có thể trao cho bạn quyền lựa chọn, sự linh hoạt để chờ đợi cơ hội phù hợp. Đó, cùng với sự kiểm soát thời gian là tài sản vô giá mà tôi đang hướng tới. Còn không, bạn buộc phải chơi trò chơi cuộc sống theo sự điều khiển của tiền bạc nhưng trong một thế giới thay đổi chóng mặt như hiện tại, kĩ năng đã không còn là một tài sản vô giá nữa nhưng sự kiểm soát thời gian, quyền lựa chọn, và sự linh hoạt đã dần trở thành một đơn vị tiền tệ giá trị bởi chúng sẽ đặt bạn ở vị thế ung dung, tự tại làm chủ cuộc đời mình.

Điều này có giúp tôi ngủ ngon giấc không? Bạn không cần có lý, bạn chỉ cần hợp lý là ổn.

Con người chúng ta sinh tồn với cảm xúc hỉ nộ ái ố đi kèm và trong thế giới tài chính, những điều này là một trong những yếu tố luôn luôn tồn tại. Bạn có thể không ngừng tìm kiếm những chiến lược đầu tư tốt nhất về mặt toán học, những lý thuyết thị trường hiệu quả nhưng đôi khi lại quên mất yếu tố cảm xúc chi phối trong thế giới tài chính đầy biến động. Thật ra, những chiến lược và công thức ấy chỉ là những con số và tại những thời khắc khó khăn trong chuyến hành trình, thứ xâm chiếm bạn là cảm xúc chứ không phải những yếu tố đó. Hãy thử tưởng tượng 1 viễn cảnh này:

Bạn nhìn thấy con số sụt giảm 30%, liệu bạn có đủ bình tĩnh dù đó có thể đã tồn tại trong dự trù của bạn?

Tâm lý học về tiền

Thế nên, điều bạn cần không phải là có lý một cách logic, mà là sợ hợp lý để có được 1 giấc ngủ ngon với các khoản đầu tư của mình. Hợp lý như thế nào? Bạn cần phải yêu khoản đầu tư của mình. Nếu bạn đam mê công ty ngay từ đầu, bạn yêu sứ mệnh của công ty sản phẩm, đội ngũ nhân viên, nghiên cứu khoa học, thì những thời khắc khó khăn không thể tránh được đều không đáng gì so với cảm giác bạn là một phần của điều gì đó ý nghĩa. Điều này nghe hơi vô lý, nhưng nếu bạn nhìn nhận bản chất của đầu tư là bạn trao tiền cho người khác để họ sử dụng tiền của bạn 1 cách hiệu quả, thì không có bất kì công thức nào có thể diễn tả được điều này mà chỉ có niềm tin, cảm xúc của chính bạn mà thôi.

Tương lai là không dễ đoán định và lịch sử chưa bao giờ là quyển sách tiên tri chính xác

Bạn đã bao giờ nhìn những bản đồ ngôi sao để đoán về các sự kiện sắp diễn ra trên thế giới, hay đơn giản thôi là coi bói chẳng hạn? Bạn có tin vào điều đó không? Cá nhân tôi, tôi không tin lắm và thật ra trong thế giới tài chính, có 1 tấm bản đồ rất thường được sử dụng để dự đoán tương lai: đó là lịch sử của các nền kinh tế, của thị trường chứng khoán. Nhưng thật ra mà nói thì lịch sử là kết quả nghiên cứu của các sự kiện bất ngờ, và tấm bản đồ lịch sử này sẽ không, và chưa bao giờ là một kim chỉ nam đúng đắn. Điểm mấu chốt ở đây là mọi thứ thay đổi theo thời gian và thế giới thường có xu hướng ghét những thứ quá ổn định trong thời gian dài. Cũng vì thế, rất ít thứ trong lịch sử có thể được dùng để nhìn nhận như 1 tấm bản đồ tiên tri được.

Các sự cố xảy ra thường là các việc khó có thể đoán định được. Nó không đến từ việc thiếu chuẩn bị, mà là vì bạn không tưởng tượng ra được rằng nó lại có thể xảy ra. Chính vì thế, tương lai không phải là một bức tranh giống những bức hoạ trong quá khứ, và nhận ra điều này là một kĩ năng đặc biệt.

Tâm lý học về tiền

Một ví dụ rất thực tế là quyển sách Nhà Đầu Tư Thông Minh của Benjamin Graham, người được mệnh danh là cha đẻ của trường phái đầu tư giá trị. Bạn đọc sách rồi, và đã bao giờ thử áp dụng những công thức trong sách chưa? Và nó có hiệu quả không? Sự thật là chính Ben Graham, qua từng phiên bản của quyển sách đều có những thay đổi nhất định bởi lẽ ông không quá gắn bó với 1 công thức nhất định, vì ông tin rằng thị trường luôn thay đổi và việc sử dụng 1 công thức duy nhất chưa bao giờ là điều đúng đắn. Chính vì thế, ông liên tục thẩm định lại các giả định của mình, cập nhật những công thức mới để thích nghi với thị trường đầy biến động.

Tôn thờ chỗ trống cho sai lầm

Phần quan trọng nhất cho mọi kế hoạch là lên kế hoạch dự phòng khi mọi thứ không diễn ra đúng ý. Hay nói cách khác đi, một điều cực kì quan trọng của việc quản lý tiền bạc là bạn cần phải chừa chỗ cho sai lầm. Tại sao? Sự điên rồ, sự kiện ngoài tầm kiểm soát sẽ xảy ra suốt cuộc đời bạn. Ngay cả khi bạn đã có kế hoạch B – C – D thì những điều tưởng như không thể bùng phát, dù ngớ ngẩn cỡ nào, cũng có thể xảy ra và thiêu rụi bạn.

Với lý do đó, việc chừa chỗ cho sai lầm là một điều bạn cần làm và biên an toàn là một trong những giải pháp để bạn thực hiện việc đó. Mục đích của khái niệm này là làm cho các dự báo trở nên không cần thiết, đây là cách duy nhất hiệu quả lèo lái an toàn trong một thế giới bị tác động bởi những khả năng, chứ không phải là sự chắc chắn. Ví dụ, biên an toàn Graham là một gợi ý đơn giản rằng chúng ta không cần nhìn nhận thế giới trước mặt là trắng hay đen, dự đoán được hay chỉ toàn may rủi. Vùng màu xám – theo đuổi mọi thứ nơi mà một loạt những kết quả tiềm năng khác nhau đều được chấp nhận – mới là cách thông minh để tiến triển.

Thế nhưng sự thật đáng buồn là việc chừa chỗ cho sai lầm lại không được trân trọng và bị hiểu lầm. Thực chất ra, chừa chỗ cho sai lầm cho phép bạn chịu đựng một loạt các kết quả có tiềm năng, qua đó cho phép bạn tồn tại đủ lâu để nâng cao tỉ lệ nhận được các kết quả có xác suất thấp, điều vốn thường không xảy ra hoặc cần thời gian để tích luỹ. Lấy ví dụ thế này, bạn ước lượng lãi suất cho tương lai và thay vì sử dụng con số trung bình, bạn giả định rằng con số bạn đạt được thấp hơn 1/3 giá trị đó và có kế hoạch tương ứng. Đó là biên an toàn và với nó, bạn sẽ luôn tự nhủ phải tiết kiệm nhiều hơn bởi nó sẽ giúp bạn vượt qua khó khăn cho những sự kiện không thể tiên đoán được.

Và hãy nhớ rằng, dù có lên kế hoạch, có biên an toàn, không có kế hoạch nào là an toàn tuyệt đối cả.

Xác định cái giá của thành công và chi trả nó

Bạn đi mua hàng ở siêu thị và phải trả tiền cho các mức giá được dán trên các kệ hàng. Về cơ bản, mọi vật đều có giá và giá trị của nó nhưng không phải cái thông tin nào cũng được thể hiện một cách rõ ràng, cho tới khi bạn trực tiếp thực hiện nó. Sách đặt ra một câu hỏi khá hay

Bạn nghĩ mức giá bạn phải trả cho thành công trong đầu tư là gì? Đơn vị tiền tệ của nó không phải là dollars hay cents. Nó là sự biến động, nỗi sợ hãi, nghi ngờ, bất an và cả sự hối hận.

TÂM LÝ HỌC VỀ TIỀN

Ví dụ nhé, cổ phiếu Netflix mang lại hơn 35000% từ 2002 đến 2018, nhưng giao dịch của nó bị dưới mức giá cao nhất mọi thời đại trong 94% tổng số ngày lên sàn. Bạn đầu tư vào Netflix, bạn có nghĩ bạn an tâm mà ngủ ngon hay không?

Bạn có nhận ra được vấn đề ở đây là rất nhiều người sẵn sàng trả giá cho ô tô, nhà cửa, thực phẩm và các kì nghỉ nhưng chính họ lại làm mọi cách để né tránh các chi phí có được lợi nhuận đầu tư? Câu trả lời đơn giản: cái giá của việc đầu tư là thành công không đến ngay lập tức. Nó không giống như một nhãn hàng mà bạn có thể nhìn thấy giá, vì thế khi hoá đơn đến hạn nó không có cảm giác giống như một mức phí để có thứ gì đó tốt đẹp.

Cái giá bạn phải trả cho khoản đầu tư của mình giống như một mức phạt vì đã làm điều gì đó sai trái. Và đơn giản là mọi người chấp nhận trả phí, nhưng họ lại tìm cách né tránh các mức phạt.

TÂM LÝ HỌC VỀ TIỀN

Nhưng nếu bạn coi sự biến động là một mức phí thì mọi thứ lại mang dáng vẻ khác. Lợi nhuận thị trường không bao giờ là miễn phí và bạn sẽ được yêu cầu phải trả một mức phí giống như các sản phẩm khác. Chi phí biến động/bấp bênh – cái giá của lợi nhuận – chính là mức phí nhập môn để có được mức lợi nhuận cao hơn so với những công viên có chi phí thấp như tiền mặt và trái phiếu. Vị thần tiền bạc không đánh giá cao những kẻ tìm kiếm phần thưởng mà không sẵn sàng trả giá đâu.

Xác định trò chơi mà bạn đang chơi

Bạn là ai? Tôi là ai? Bạn sẽ có một câu trả lời chính xác nhất cho bản thân mình và tôi dành cho chính tôi. Nhưng điều quan trọng nhất là tôi và bạn là hai cá thể khác nhau với những trò chơi khác nhau: trò chơi cuộc đời, trò chơi đầu tư. Và trên thị trường, một ngày nào đó biết đâu con đường tôi với bạn sẽ gặp nhau vì một trong hai bị lôi vào trò chơi của người còn lại.

Tâm lý học về tiền.

Hàm ý của đoạn nội dung trên, không phải để phản bác việc bạn gặp một người có cùng quan điểm đầu tư, chơi cùng trò chơi với bạn. Nó muốn nói rằng, bạn cần phải cẩn thận khi lắng nghe tín hiệu tài chính từ người khác bạn không biết được liệu họ có đang chơi trò chơi giống bạn. Hơn nữa, bạn sẽ có 1 mục tiêu và chân trời thời gian khác với mọi người, và mức giá có vẻ nực cười với bạn có thể lại có lý với người khác. Thế nên, tác giả đã đưa một minh chứng rất cụ thể về bong bóng khủng hoảng vào năm 2008 khi các nhà đầu tư dài hạn bị lôi vào trò chơi của giao dịch viên, người có chân trời thời gian ngắn hơn. Khi cuộc đua bắt đầu, nó không thể bị dừng lại.

9 Best Investment Games To Improve Your Skills At Making Money
Bạn cần phải xác định rõ trò chơi mình đang chơi là gì.

Chính vì thế, điều bạn cần làm là bạn phải xác định chính xác trò chơi bạn đang tham gia vào và tự hiểu được chính mình. Ở một thời đại mà thông tin được cập nhật đến từng phút, một bình luận viên trên VTV không biết bạn là ai nhưng vẫn có thể nói nhan nhản về cổ phiếu này, cổ phiếu nọ dù không chắc nó phù hợp với bạn. Thế nhưng, khi xác định được trò chơi bạn tham gia, bạn cần tập trung vào chính nó. Và bằng cách viết ra mục tiêu, bạn sẽ hiểu được là tất cả mọi thứ không liên quan đến mục tiêu đó – những gì thị trường đã làm trong cả năm nay , hoặc liệu chúng ta có gặp suy thoái vào năm sau hay không, hay của cải, tài sản, kì nghỉ hay nỗi lo lắng của người khác – đều là một phần của trò chơi bạn không tham gia.

Kết

Công bằng mà nói, tôi nghĩ bài viết có lẽ cũng đã rất dài và có một số bài học tôi đã lược ra, chỉ để lại những bài học thật sự tâm đắc. Nhưng thật lòng mà nói, những bài học trong đây nó sẽ tốn của tôi hay bạn hàng chục năm trời trải nghiệm và chiêm nghiệm mới có thể nhận ra và lĩnh hội được. Thế nhưng, tôi nghĩ việc biết được những yếu tố tâm lý tác động trong cuộc sống, thế giới tài chính là một việc tốt và đó là lý do tại sao tôi muốn viết bài này, dù nó chỉ đơn giản là một cái tóm tắt ngắn gọn nhất có thể các ý chính mà tác giả muốn truyền tải. Tôi nghĩ bạn nên đọc, văn phong của tác giả rất dễ hiểu dù đâu đó bạn sẽ phải ngồi ngẫm nghĩ một chút về các tình huống mà tác giả đưa ra. Vả lại, việc đọc trọn 1 quyển sách gốc với việc đọc 1 cái tóm lược nó khác nhau chứ nhỉ? Nó ngăn bạn lắp đầy khoảng trống giữa một bản tóm lược và bản gốc bằng thế giới quan của riêng bạn. Thấy chưa, tôi đã áp dụng 1 bài học trong sách rồi đấy.

Chúc bạn tận hưởng bài viết, và nếu có góp ý gì, bạn cứ thoải mái nêu ra trong phần bình luận nhé.

La LuMiere – Dec 2021

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s